Không dễ tìm được tiếng nói chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở hầu hết các châu lục, thể hiện sự bất bình của người dân với chính phủ về đường lối đối nội và đối ngoại, về kinh tế, việc làm, chất lượng sống…

 Các cuộc biểu tình kéo dài và lan rộng cho thấy, những bất ổn về kinh tế - xã hội đang tạo khoảng cách lớn dần giữa người dân và chính phủ, bởi việc tìm lại tiếng nói chung sẽ không dễ dàng trong tương lai gần.

Tại Thái Lan, làn sóng bất ổn kéo dài suốt hơn một tháng qua chưa có dấu hiệu dừng lại khi khoảng 250.000 người thuộc phe đối lập hôm 22/12 đã tiến hành cuộc biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Sinawatra phải từ chức. Các thủ lĩnh biểu tình cũng tuyên bố sẽ dẫn những đoàn người ủng hộ tới ngăn cản việc đăng ký ứng cử viên từ ngày 23/12. Cuộc biểu tình diễn ra tại 15 khu vực đã khiến thủ đô Bangkok bị tê liệt đã buộc các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về khả năng đầu tư vào quốc gia này trong tương lai.
Người biểu tình tuần hành tại một quận thương mại quan trọng ở Bangkok trong ngày 22/12. Ảnh: Reuters
Người biểu tình tuần hành tại một quận thương mại quan trọng ở Bangkok trong ngày 22/12. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Campuchia, làn sóng biểu tình chống Chính phủ của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập đã bước sang tuần thứ 2 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chủ tịch CNRP Sam Rainsy tuyên bố, tiến hành "một đợt sóng thần chính trị" từ ngày 22/12 với các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm đòi  tổ chức bầu cử lại. Đáp lại tuyên bố phi lý trên, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia  đã từ chối yêu cầu tổ chức bầu cử lại của CNRP. Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh, sẽ thực hiện các biện pháp chế tài nhằm đảm bảo an ninh và trật tự công cộng.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt của mùa đông phương Bắc, hàng ngàn người dân Ukraine có tư tưởng thân Liên minh châu Âu (EU) vẫn kiên trì xuống đường nhằm "ép" Chính phủ phải nối lại đàm phán về Hiệp định liên kết với EU. Cuộc biểu tình kéo dài hơn một tháng qua cho thấy, sự giằng co về hệ tư tưởng, lợi ích giữa những người phía Đông Ukraine thân Nga và người phía Tây thân EU vẫn khá gay gắt, khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc cách mạng sắc màu mới.

Trong lúc đang "lép vế" trong cuộc chơi "kéo co" chính trị mang tên Ukraine với Nga, EU cũng phải đối diện với những mối lo mới. Các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ vốn chỉ diễn ra ở các quốc gia nợ nần chồng chất ở châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia đã lan sang cả các nước giàu có và nổi tiếng yên bình như Đức, Áo. Tại Áo, hơn 400.000 người đã tiến hành cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay đã diễn ra hồi giữa tuần trước, yêu cầu Nội các mới nhậm chức phải cải thiện thị trường lao động, tăng lương.

Tại Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu cũng trải qua những ngày cuối tuần "điên rồ" khi cuộc biểu tình đòi giữ lại khu nhà Rote Flora - điểm tụ họp văn hóa - chính trị của các nhà hoạt động cánh tả trong hơn 24 năm qua ở Hamburg diễn ra từ tối 21/12 đã biến thành một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất nhiều năm qua ở đây. Tính tới 2 giờ ngày 22/12, đã có 117 cảnh sát bị thương, trong đó có nhiều trường hợp thương nặng. Cuộc biểu tình biến thành bạo loạn này được coi là thử thách đầu tiên đối với Thủ tướng Angla Merkel, trong bối cảnh Chính phủ liên minh vừa được thành lập sau nhiều tháng tiến hành đàm phán với các đảng đối lập.

Các cuộc biểu tình nhằm phản đối Chính phủ được giới phân tích gọi một cách hoa mĩ là "cơn thịnh nộ trên đường phố" đã trở nên phổ biến hơn kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nó cho thấy, lãnh đạo các nước phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thế giới lấy lại được bầu không khí yên bình vốn có.