Không đơn giản chỉ là lát vỉa hè

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương lát đá vỉa hè là một chủ trương đúng đắn của Hà Nội. Nó không chỉ tạo bộ mặt khang trang cho TP, phục vụ du lịch mà còn giúp nâng cao công tác quản lý, đời sống văn hóa của người dân, giảm tai nạn giao thông, từng bước ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè…

Tuy nhiên, việc lát vỉa hè không nên đồng loạt, cần cân nhắc có phương án cụ thể cho từng đoạn, từng tuyến để bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan chung, tạo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp cả trong phương án cải tạo, nâng cấp, bảo trì…
 Vỉa hè đường Nguyễn Trãi được lát đá tự nhiên khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Vũ Cúc
Hãy đừng coi được giao chỉnh trang, cải tạo vỉa hè là có thể làm ăn bát nháo. Điều đó vô hình trung khiến không chỉ làm thất thoát, lãng phí ngân sách mà còn dung túng cho cung cách làm ăn gian dối, không tính đến chất lượng. Để làm được điều này mấu chốt là khâu giám sát, quản lý. Thực tế, thời gian qua đây là khâu không được quan tâm sâu sát, bị buông lỏng khiến việc thi công nền móng tại nhiều tuyến vỉa hè ẩu, chất lượng vật liệu lát thấp, tình trạng “ông cứ lát đá, tôi cứ đào để xây đường ống nước, hạ ngầm cáp điện…”… vẫn xảy ra, bất chấp nó làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, lãng phí lớn. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ (trong hồ sơ để lại) vỉa hè ấy chất lượng ra sao, đã sửa chữa bao nhiêu lần, do ai làm, bằng chất liệu gì, nguyên nhân xuống cấp do đâu… Chú ý quan tâm tới những khu đô thị, khu phố mới. Những tài liệu lịch sử trên (có thể coi là biên bản trước khi sửa chữa) có sự đồng thuận và chữ ký xác nhận của đơn vị thi công trước đó và cam kết về chất lương của đơn vị thi công. Việc làm này sẽ giúp TP rút hàng tỷ đồng ngân sách, đỡ đi những phủi tay trước trách nhiệm trong quá khứ và những cuộc tranh cãi bất tận về chất lượng vật liệu, xi măng và đá tự nhiên, cũng như chất lượng vỉa hè trong trên nhiều tuyến phố. Và hơn nữa, người dân không cần những tuyến vỉa mấy năm lại được cải tạo, cậy lên, lát mới mà cần những tuyến vỉa hè được thi công đồng bộ, tồn tại lâu dài. Nhân dân và du khách cần đường đi tốt như nhiều TP khác trên thế giới chứ không cần một ghi chú về thời gian thi công như con đường đang đi.

Giờ lát lại toàn bộ vỉa hè, cả TP ước chừng mấy trăm cây số, yêu cầu chất lượng và tăng cường việc giám sát là khâu quan trọng để sau khi lát lại, nơi nào hỏng, chất lượng kém biết ngay. Muốn bỏ qua hay xin làm lại đâu dễ dàng. Cung cách làm ăn không cần đến chất lượng, không còn chỗ cho thói “làm thì láo báo cáo thì hay” ẩn nấp, chỉ tính khối lượng, bất chấp chất lượng.

Nói cho cùng, vỉa hè cũng là bộ mặt đô thị, chính vì thế rất cần sớm có những giải pháp đồng bộ, cụ thể để không chỉ góp phần giúp đô thị khang trang, sạch đẹp, xứng đáng với sự phát triển của Thủ đô mà còn tạo hiệu ứng, hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả những tuyến vỉa hè sau cải tạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần