Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/6, thảo luận Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đều thống nhất, Nghị quyết là cấp bách, cần thiết.

Nhưng cũng có nhiều ĐB quan ngại đây chỉ là giải pháp tạm thời mà chưa phải giải pháp lâu dài.

Xử lý trách nhiệm người gây nợ xấu

Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và có thể kết thúc vào ngày 1/7/2022, tùy theo Quốc hội quyết định. Về giới hạn thời gian xử lý nợ xấu kết toán đến 31/12/2016. ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, nợ xấu luôn đồng hành với bất kì nền kinh tế nào, vì vậy không thể xử lý một lần dứt điểm là xong. Như vậy đồng nghĩa với việc cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để có căn cứ xử lý các vấn đề liên quan đến nợ xấu phát sinh trong tương lai. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì tỉ lệ nợ xấu và các khoản có nguy cơ trở thành nợ xấu là khoảng 10,8%.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai( đoàn Hà Nội ) phát biểu ý kiến. Ảnh: Duy Linh

Thống kê của NHNN, với khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng (tính theo quy mô tổng dư nợ với tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,56%), cùng khoảng hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu còn nằm tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đến cuối 2016. Và nếu theo phân loại áp dụng trên, có khoảng 345.000 tỷ đồng nợ xấu trong diện được áp cơ chế hỗ trợ xử lý. Nếu hiệu lực của Nghị quyết chỉ áp dụng đến 2022, tức còn hơn 5 năm nữa, việc tập trung xử lý số nợ trên cộng với lượng nợ xấu mới phát sinh thêm, dồn tích lại sẽ làm sao khi không được áp cơ chế hỗ trợ xử lý do phát sinh sau mốc 2016?

Với những phân tích trên, nhiều ĐB cho rằng, cơ chế hỗ trợ xử lý nợ xấu cần áp dụng chung cho tất cả các khoản nợ xấu, không phân biệt về thời điểm, và áp cho đến khi Nghị quyết hết hiệu lực. “Cần xử lý cả các khoản nợ phát sinh chứ không chỉ khoản nợ cũ và thu hồi càng nhiều càng tốt” - ĐB Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội) kiến nghị. Song song với đó, các ĐB kiến nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu do không chấp hành các quy định của pháp luật để ngăn chặn việc hợp thức hóa những sai phạm, cố tình để xảy ra nợ xấu.

Trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã bàn rất kỹ để tránh các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Bên cạnh việc làm rõ và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu, NHNN tiếp tục tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cam kết không sử dụng ngân sách Nhà nước, bổ sung phụ lục xác định nợ xấu để đảm bảo rõ ràng, minh bạch và bổ sung các quy định về thẩm quyền để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi.

Thống đốc NHNN  Lê Minh Hưng


Trong số 600.000 tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động TCTD mà là bảo vệ cho người dân.

ĐB Nguyễn Văn Thắng  (đoàn Hà Nội)

Khó thu giữ tài sản đảm bảo

Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB), ĐB Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) góp ý, quyền thu giữ tài sản đảm bảo để đảm bảo quyền lợi của TCTD theo hợp đồng thỏa thuận với người vay và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp và khả thi khi người thế chấp tài sản đảm bảo đồng ý cho các TCTD thu hồi tài sản này. Còn trong trường hợp họ không đồng ý thì việc các TCTD đơn phương thu giữ tài sản sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Do đó, theo ĐB, cần bổ sung quy định làm rõ đối với TSĐB có tranh chấp và không có tranh chấp để tránh phát sinh khiếu kiện gây đến mất trật tự an ninh xã hội…

“Đơn giản, sơ sài từ thủ tục đến quá trình thu giữ… thậm chí còn thiếu quy trình” - ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) quan ngại về quyền thu giữ tài sản đảm bảo được quy định trong dự thảo Nghị quyết. Nếu các tổ chức tín dụng tiến hành xử lý nợ xấu bằng thu hồi tài sản thì họ tự làm hay thuê một lực lượng khác cũng cần phải được làm rõ và có các cơ chế cụ thể. Trong trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn giá trị nợ xấu của các TCTD nếu không có bước thẩm định giá trị tài sản trước khi thu giữ thì cơ sở nào giải quyết tranh chấp. “Dự thảo quy định khi có dấu hiệu chống đối thì công an, UBND các xã có trách nhiệm giám sát việc thu giữ tài sản đảm bảo. Vậy phạm vi trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, giám sát này đến đâu? Thực hiện như thế nào? Nếu chỉ là cấp xã thì có đủ lực không?” - nhiều ĐB băn khoăn.

Chính vì thế cần hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật Dân sự và phối hợp với cơ quan công quyền thu giữ tài sản. “Theo Nghị quyết, thời hạn thu giữ tài sản tương đối ngắn (10 ngày). Vì thế, cần có thêm thời gian để người bị thu hồi thu xếp nơi ở mới, nhất là đối người già, trẻ em” - ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) kiến nghị thêm.

Chỉ có thể giải quyết qua thị trường mua bán nợ

Thanh lý nợ xấu - bước cuối cùng của quá trình xử lý nợ xấu, nhiều ĐB kiến nghị không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu kể cả trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, nói không dùng ngân sách nhưng Nhà nước vẫn tốn kém và thiệt hại nhiều trong việc xử lý vì cả bộ máy phải tham gia xử lý. Không dùng ngân sách, nhưng nếu cho các TCTD dự phòng cũng có nghĩa làm giảm thu ngân sách. Và nếu không dùng ngân sách thì cũng không được miễn các loại thuế phí liên quan đến xử lý nợ xấu... Vậy tìm nguồn lực cho xử lý nợ xấu ở đâu? Chỉ có thể giải quyết qua thị trường mua bán nợ. Theo đó, Chính phủ cần ban hành các quy định luật pháp phù hợp cho thị trường này trong việc chuyển nhượng và thanh lý TSĐB; Cho phép cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ.

Về cơ chế báo cáo, Nghị quyết đặt ra sau 5 năm thực hiện Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện, các ĐB đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm và Quốc hội trong việc giám sát Chính phủ và NHNN. Quốc hội phải quy định tính giải trình tại mỗi kỳ họp. Đồng thời yêu cầu truy tìm thu hồi tài sản do tham nhũng tiêu cực mà có và đang được tẩu tán. Việc này sẽ tạo thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao năng lực giám sát, quản lý

Nhiệm vụ tiên quyết của NHNN là tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra nâng cao năng lực quản lý để kiểm soát nợ xấu. TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Quốc hội đang thảo luận về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Thống đốc NHNN giải trình về vấn đề này, ông cảm nhận thế nào?

- Tôi cho rằng Quốc hội đưa ra một Nghị quyết nhanh chóng để xử lý nợ xấu là rất cần thiết, vì nó đang mang tính cấp bách, nhưng một lúc nào đó phải đưa ra Luật. Nếu trở thành Luật sẽ vĩnh viễn. Về phát biểu của Thống đốc cũng rất rõ, trách nhiệm gây nợ xấu do cả hai phía, chủ quan có, khách quan có, có cả nguyên nhân khách hàng và ngân hàng. Riêng về xử lý cán bộ sai phạm nếu thuộc phạm vi hình sự phải xử lý theo hình sự, nhưng cũng cần xem xét sai phạm ở đâu để xử lý đến đó cho phù hợp. Điều này đòi hỏi NHNN phải tăng cường năng lực giám sát.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra giải pháp là bán nợ xấu theo giá thị trường, thậm chí bán lỗ để đẩy nhanh giải quyết nợ xấu. Vậy theo ông làm thế nào để quá trình này được minh bạch?

- Theo thị trường nghĩa là có thể chấp nhận bán lỗ giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Trước kia, tổ chức mua bán nợ chỉ áp dụng phương pháp duy nhất là mua bán nợ theo thỏa thuận. Việc mua, bán theo giá cả thị trường bằng các phương thức thoả thuận, đấu thầu, đấu giá hiện chưa có quy định. Để đảm bảo minh bạch công bằng phải đưa ra đấu giá công khai và có thị trường.

Nếu Nghị quyết được thông qua, liệu tiến trình giải quyết nợ xấu có được khơi thông?

- Có quy định rồi phải xử lý nhanh chóng để bảo đảm an toàn cho TCTD. Nếu TCTD thiếu vốn thì phải tăng vốn, sai phạm thì phải xử lý. Không thể đem nhốt vào VAMC như thời gian qua. Với cơ chế mua bán nợ theo thị trường, ngân hàng sẽ cảm thấy hào hứng hơn, thị trường mua bán nợ sôi động hơn, khả năng giải quyết các khoản nợ xấu sẽ cao hơn và bất động sản sẽ có những cú hích trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cũng không nên nặng hình sự hóa vì nếu không ngân hàng sẽ không dám đưa ra nợ xấu thật. Và như vậy nợ xấu không xử lý được triệt để.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Anh  thực hiện