Không được phép để xảy ra bất kỳ hệ lụy nào từ dự án Thép Cà Ná

Khắc Kiên ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khi trao đổi với báo chí về dự án thép Hoa Sen ở Cà Ná chiều 30/12.

Không có lợi ích nhóm
Có nhiều tranh cãi về dự án này, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
- Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngành như công nghiệp thép, hay một số tồn đọng trong dự án đầu tư của DN Nhà nước đã trở thành điểm nóng thu hút của dư luận. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, Dự án thép Hoa Sen ở Cà ná (Ninh Thuận) có biểu hiện lợi ích nhóm, thậm chí hy sinh lợi ích của xã hội về môi trường, về phát triển bền vững để đánh đổi mục tiêu của một dự án.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời báo chí.
Tuy nhiên, tôi khẳng định trên cơ sở đầy đủ dữ liệu, không phải tự bảo vệ mà dự án phù hợp với thực tiễn, pháp lý và phát triển vì chủ trương quy hoạch thép được xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện. Bởi, một đất nước gần 100 triệu dân lại phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu sản phẩm thép đã gây ra mất cân đối nghiêm trọng về nhập siêu, nhất là từ các nước láng giềng.
Một đất nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp thép, từ những nguồn lực tài nguyên, địa lý, chính trị, giao thông, hạ tầng, với tiếp cận công nghệ phù hợp đảm bảo yếu tố phát triển và môi trường, có nguồn nhân lực, là bất hợp lý nếu không phát triển. Do đó, không phải vì lợi ích nhóm, không phải hy sinh lợi ích chung. Quan điểm của Bộ cầu thị và cởi mở, có trách nhiệm. Có nhiều luồng dư luận về dự án, chúng tôi khẳng định đang tiếp thu và lắng nghe. Thời gian qua, nói về quy hoạch thép của quốc gia, dự kiến những địa điểm, khu vực quy hoạch thép, chưa nói đến dự án luyện thép bằng công nghệ gì, thiết bị từ đâu, quy mô lớn hay nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Với dự Thép Cà Ná, nếu để xảy ra hệ lụy xấu thì kể cả xem xét từ chức cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với những thiệt hại gây ra cho Nhân dân, đất nước. Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kỳ hệ lụy nào, bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa.
Cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Theo quy định pháp lý, quy hoạch là bước đi đầu tiên định hướng cho nhà đầu tư tiếp cận với cơ hội để phát triển trong cả lĩnh vực về công nghiệp và thị trường. Quy hoạch mở luôn có điều chỉnh phù hợp thay đổi xu thế nên dự án Cà Ná bổ sung thay thế dự án cũ không đủ điều kiện. Nhưng mới dừng ở thông qua quy hoạch, sau đó Chính phủ đang xem xét chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu. Từ quy hoạch đến thực hiện tiếp theo, cho đến khi dự án hình thành, được thẩm định triển khai phải qua nhiều bước khác nhau của các bộ, ngành chức năng quản lý Nhà nước ở hàng loạt các lĩnh vực, ví như liên quan đánh giá tác động môi trường.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, như tôi đã nói, Bộ luôn cởi mở, cầu thị, một mặt vẫn thực hiện chức năng quản lý, mặt khác tổ chức hội thảo lấy ý kiến chính thức của các nhà phản biện, công dân, tổ chức kinh tế - xã hội, DN để đánh giá nghiên cứu và hoàn thiện lại. Để khách quan, mới đây, Bộ yêu cầu mời thầu tư vấn nước ngoài giúp nghiên cứu bổ sung phản biện trước khi trình Thủ tướng thông qua.
Chịu trách nhiệm nếu có lỗi với dân
Các dự án nghìn tỷ là vấn đề nóng, khi lấy ý kiến chuyên gia, nếu nhiều ý kiến không đồng tình hoặc cắt bỏ dự án nghìn tỷ thì Bộ có thuận theo?
- Với dự án nghìn tỷ có rất nhiều diễn đàn, nhiều khuôn khổ đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, trong phiên họp của Quốc hội vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã báo cáo Quốc hội 5 dự án, gần nhất bổ sung thêm 2 dự án và bây giờ là 12 dự án trong lĩnh vực công thương. Như tôi đã nói, dự án diễn ra trong thời gian dài, thậm chí trước khi các tập đoàn, tổng công ty được giao về cho Bộ quản lý khi các cơ chế pháp lý quản lý DN, dự án còn sơ sài, thiếu sót.
Trước năm 2008, việc thiết kế cơ sở giao trách nhiệm cho chủ đầu tư trong thiết kế cơ sở và xây dựng thiết kế cơ sở, còn bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ góp ý. Chính vì vậy, đối với dự án Fomosa cũng xảy ra tương tự. Trong khi đó, bây giờ chúng ta mới nhận thức rằng, thiết kế cơ sở có ý nghĩa quan trọng sống còn như thế nào đối với chất lượng và hiệu quả của một dự án, trong đó có vấn đề môi trường. Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự lãng phí và những nguy cơ thất thoát tài sản đối với những dự án này là kiên quyết.
Trước hết, nghiên cứu phải đánh giá tồn tại, bất cập từ đó đưa ra giải pháp toàn diện cho các đự án. Đặc biệt, làm sao thu hồi lại tài sản Nhà nước, giảm thiểu thiệt hại. Có giải pháp để dự án tiếp tục hoạt động phù hợp với pháp luật, cũng như với công nghệ, xu thế, phải tiếp tục làm rõ tồn tại cả về thể chế, chính sách, con người, trách nhiệm tập thể, cá nhân từ lúc phê duyệt và đầu tư, quản lý dự án.
Vậy, nếu xảy ra hệ lụy, trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?
- Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý dự án nghìn tỷ đã được thành lập với sự tham gia của Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành phối hợp tập đoàn, tổng công ty để đạt được mục tiêu kép như đã nói ở trên, hướng đến năm 2017 - 2018 giải quyết dứt điểm các dự án đó.
Tuy nhiên, phải làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm, không chỉ dừng lại ở đó, phải rút ra được bài học để hoàn thiện chính sách, cũng như quản trị của DN, đặc biệt là DN Nhà nước. Tới đây, hàng loạt vấn đề lớn ở quản lý tài sản công, quản trị, cán bộ, quản trị DN Nhà nước... sẽ được rà soát, đánh giá lại nhằm hoàn thiện mô hình DN Nhà nước. Tôi khẳng định tiếp tục sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước là một nội dung quan trọng, là hướng khắc phục tồn tại, yếu kém không chỉ đầu tư, hiệu quả hoạt động, vai trò trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Quá trình phê duyệt thẩm định dự án, còn nhiều dư địa để hoàn thiện. Đối với bất cứ dự án nào, yếu tố hiệu quả được các nhà đầu tư quan tâm, còn với cơ quan Nhà nước ngoài hiệu quả dự án thì đảm bảo tổng hòa các lợi ích chung của xã hội và kinh tế. Như tôi đã nói, quy hoạch thép và các dự án thép thì cũng như vậy. Hiện mới đang dừng ở quy hoạch nên chưa rõ công nghệ nào, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố...
Tôi không sợ trách nhiệm và đối diện trách nhiệm, bởi khi điều chỉnh đưa vào quy hoạch, mới định hướng phát triển. Với dự án Thép Cà Ná, Bộ Công Thương và Bộ trưởng sẵn sàng xem xét chịu trách nhiệm nếu hệ lụy xảy ra trước pháp luật, trước Nhân dân. Song, nếu nói không có dự án thép Cà Ná thì có dự án Dung Quất (Quảng Ngãi), đất nước có phát triển được? Một đất nước có thể phát triển bằng hạt muối của Cà Ná và hạt thóc của Tây Nam Bộ không? Không có nền công nghiệp có phát triển được không? Và chúng ta có đang đánh mất đi lợi thế từ nguồn tài nguyên, cơ hội cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Nếu chúng ta sợ thì không làm được gì. Nếu để xảy ra hệ lụy xấu thì kể cả xem xét từ chức cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với những thiệt hại gây ra với Nhân dân, đất nước.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Bộ trưởng và Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kỳ hệ lụy nào, bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!