Không được ủy quyền trả lời chất vấn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật...

Kinhtedothi - Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Kế toán (sửa đổi), đồng thời, thảo luận việc triển khai tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại; dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Nghị quyết giám sát có giá trị pháp lý bắt buộc

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được thông qua quy định, Nghị quyết về giám sát có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong Nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, liên quan đến thẩm quyền giám sát của ĐB, luật quy định theo hướng ĐB giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân không chỉ giới hạn ở địa phương nơi ứng cử.
Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội  và Hội đồng Nhân dân. 	Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Ảnh: TTXVN
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, tiếp thu ý kiến của các ĐB, Dự Luật trước khi trình Quốc hội thông qua cũng đã có những chỉnh lý quy định: "Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có). Trường hợp ĐB HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời; Những người khác có thể được mời tham dự và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình".

Đối với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Luật đã bổ sung một số quy định mang tính ổn định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 như đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Về thời điểm, mức tín nhiệm là những vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để quy định phù hợp hơn, nên trước mắt tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 85, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để quy định vào Luật.

Đồng tình tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại

Thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại, các ĐB đều nhận định, kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, cần tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại. ĐB Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị sớm xem xét, thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định cụ thể của pháp luật để thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại trong cả nước thời gian tới; bổ sung chế định Thừa phát lại vào các văn bản pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nhân sự tham gia hoạt động này.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng tán thành với việc cho phép Thừa phát lại được tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án, văn bản về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự… Nhưng đề nghị Thừa phát lại không tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Một số ĐB cũng không tán thành với việc giao cho Thừa phát lại có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định. Các ý kiến cho rằng, cưỡng chế là quyền lực đặc biệt, chỉ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Việc quy định thẩm quyền này của Thừa phát lại không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Cho ý kiến vào việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các ĐB tán thành việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là quan trọng và cần thiết, có lợi cho DN và cho đất nước nói chung. Tuy nhiên, đề nghị giải trình thêm về tác động, lợi ích của Hiệp định tạo thuận lợi Thương mại WTO (Hiệp định TF) đối với Việt Nam và tác động tới Việt Nam nếu như chậm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần