Trong đó, hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội đều nằm trong khu vực hành lang xanh nhưng hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại khu vực này thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Kiến trúc nông thôn đang mất dần bản sắc
Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, sự du nhập lối sống thành thị đã có những tác động mạnh mẽ tới cảnh quan các vùng ven đô, vùng ngoại thành Hà Nội. GS.TS.KTS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, công tác quản lý kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội trong thời gian qua còn nhiều bất cập, đã có tác động suy giảm đến không gian quy hoạch xây dựng, giá trị kiến trúc, cảnh quan truyền thống, môi trường sinh thái tại các xã, thôn trong các huyện ven đô và ngoại thành.
Tại nhiều làng xóm truyền thống, một số công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dần bị bê tông hóa theo phong cách kiến trúc của đô thị, diễn ra tự phát, tùy tiện, không có hoặc không theo quy hoạch và quản lý xây dựng. Kiến trúc cảnh quan và môi trường làng xóm bị xâm hại, biến đổi. Người dân tự do trong việc chuyển đổi tổ chức không gian và hình thái kiến trúc theo nhu cầu thực tế của từng gia đình, thiếu vai trò định hướng của các cơ quan chuyên môn đã làm mất dần bản sắc kiến trúc cảnh quan trong khu vực. Tại nhiều nơi, các công trình nhiều tầng với hình thức đa dạng đang dần thay thế cho nhà 1 tầng mái ngói truyền thống đã làm mất đi tính đặc trưng trong phong cách kiến trúc và tạo ra những hình ảnh pha tạp, lộn xộn về cảnh quan vùng ngoại thành.
Cùng góc nhìn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận đánh giá, hiện nay, tại khu vực nông thôn, với tình trạng xây dựng lộn xộn, phần lớn các làng xã, đặc biệt là những làng, xã ven đô Hà Nội đang mất dần những giá trị truyền thống. Các thị tứ, thị trấn, khu công nghiệp hình thành tự phát, bám vào hai bên trục đường chính gây cản trở giao thông. Hình thức kiến trúc tại các làng, xã đang mất dần bản sắc riêng.
Hầu hết công trình xây dựng từ nông thôn đến đô thị được thiết kế giống nhau. Hiện tượng xây dựng vi phạm các hành lang an toàn giao thông, đê điều và chiếm dụng đất canh tác khá phổ biến. Không có hướng dẫn định hướng kiến trúc trong xây dựng nhà ở và công trình công cộng nông thôn.
Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị chưa được quan tâm. Bộ máy quản lý Nhà nước có phần buông lỏng, thiếu hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, cấu trúc làng, xã đã biến dạng, kiến trúc pha tạp, cảnh quan môi trường thôn quê vốn dĩ rất thuần nhất nay đang lâm vào tình trạng suy thoái về nhiều phương diện.
Phân vùng đặc trưng để quản lý
Từ thực tế hiện nay, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đều cho rằng, TP Hà Nội cần sớm quan tâm và có những giải pháp hữu hiệu trong quản lý kiến trúc cảnh quan tại các huyện theo định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trong đó yêu cầu cấp bách là phải nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện, nhằm phát triển, giữ gìn, bảo tồn các giá trị kiến trúc cảnh quan truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện điều kiện sống và phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, quản lý và gìn giữ được kiến trúc cảnh quan có giá trị tại các làng xã, nhất là các làng, xã trong những huyện chuẩn bị chuyển thành quận.
Theo định hướng quy hoạch chung, các huyện chủ yếu nằm trong khu vực hành lang xanh, là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững trong tương lai của Hà Nội, bảo đảm sự phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi.
Không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tế mà theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây còn là yêu cầu của T.Ư, Đảng bộ TP đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô. Tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045 (số Nghị quyết 15-NQ/TW) đã định hướng, quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị, khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn...
Hay tại Quyết định 313/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng đã xác định 3 mục tiêu lập quy hoạch, trong đó có yêu cầu phải đề xuất phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn... nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn TP.
“Với bối cảnh và các định hướng nêu trên cho thấy, việc nghiên cứu về định hướng giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, khoa học trong phát triển Thủ đô” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Có thể thấy rõ, về địa lý và cảnh quan thiên nhiên, ngoại thành Hà Nội chia thành hai khu vực có tính đặc thù rõ rệt: cảnh quan vùng núi (gắn với các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn) và cảnh quan đồng bằng (cho những huyện còn lại) với những đặc thù về địa hình và chế độ thủy văn khác biệt.
Đây là những yếu tố quan trọng trong việc hình hành các giá trị cảnh quan bản địa đặc sắc cả về văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, việc lập quy hoạch xây dựng và đề xuất các giải pháp quản lý kiến trúc cảnh quan phải được dựa trên việc đánh giá kỹ thực trạng, nhu cầu phát triển, tiềm năng của từng địa phương, từng khu vực nông thôn theo đặc thù riêng.
Ngoài ra, cần xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan trong xu thế đô thị hóa và dựa trên kế hoạch phát triển đô thị của TP. Nhất là kế hoạch phát triển một số huyện thành quận như Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, khi đó, các xã trở thành phường. Yếu tố này không chỉ tác động vào các chỉ tiêu quy hoạch, thiết kế mà còn tác động trực tiếp vào môi trường cảnh quan, lối sống, nhu cầu tiện ích về vật chất là tinh thần của cộng đồng dân cư.
Đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, TP cần đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình, cộng đồng, DN trong việc thực hiện các dự án xây dựng phù hợp với quy hoạch và kiến trúc cảnh quan.
Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan tại các huyện để bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác quản lý. Đặc biệt chú trọng thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ về tình hình triển khai quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện để bảo đảm các dự án xây dựng được thực hiện đúng theo quy hoạch và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân.
Công tác quản lý kiến trúc cảnh quan tại các huyện của Hà Nội hiện còn một số tồn tại, bất cập về tính pháp lý, quy hoạch xây dựng, tổ chức bộ máy quản lý, cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển. Việc triển khai những hoạt động quản lý còn có những hạn chế tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao và các làng xóm truyền thống, chưa khai thác được sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng dân cư. Thực tế này đặt ra cho TP yêu cầu cấp thiết là sớm có những giải pháp hữu hiệu trong quản lý kiến trúc cảnh quan tại các huyện theo định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới nhằm quản lý và gìn giữ được kiến trúc cảnh quan có giá trị tại các làng, xã, nhất là các làng, xã trong các huyện chuẩn bị chuyển thành quận.
GS.TS.KTS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam