70 năm giải phóng Thủ đô

Không in thêm tiền mệnh giá nhỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Đào Minh Tú với báo chí sáng nay (12/1). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ (5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng) đã sử dụng vào lưu thông dịp Tết năm nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sử dụng lượng tiền đã qua sử dụng

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, dịp Tết Bính Thân năm nay, NHNN tiếp tục chủ trương không đưa tiền mới in từ 5.000 trở xuống đưa ra lưu thông, căn cứ vào lượng tiền đã qua sử dụng đang bảo quản tại kho của NHNN sẽ chuyển cho các đơn vị để chi ra lưu thông. Các TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc về đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ.

Trước đó, từ năm 2013, NHNN đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Theo tính toán của cơ quan này, việc không phát hành tiền mới in vào dịp tết, đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây là chi phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm…

Cụ thể, năm 2013, khi lần đầu thực hiện không in mới tiền 500 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã tiết kiệm được 95 tỷ đồng chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm. Năm 2014, không in mới tiền 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng tiết kiệm được 314 tỷ đồng. Năm 2015 và 2016, không đưa tiền 5.000 đồng trở xuống mới vào lưu thông, cơ quan này cũng tiết kiệm được thêm gần 1.000 tỷ đồng.

“Đồng thời với việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ, NHNN cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi tiền lẻ trái phép. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong các dịp lễ, Tết, lễ hội, chủ trương không sử dụng tiền mới đã mang đến những kết quả tích cực, tiết kiệm chi phí xã hội…”, ông Tú cho biết thêm.

Chống quá tải ATM

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu thanh toán, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng đảm bảo thông suốt hệ thống liên ngân hàng trong dịp trước và sau Tết. Cũng theo Phó Thống đốc, nhu cầu rút tiền mặt gia tăng dịp Tết do nhiều DN muốn giữ người, đến cận Tết mới chi trả lương, thưởng cho người lao động. NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, TP tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt dẫn đến phải khất, hoãn chi, đặc biệt là tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan, DN.

Một điểm mới mà NHNN thực hiện trong dịp Tết năm nay đó là cho phép hệ thống thanh toán liên ngân hàng kéo dài thời gian hoạt động thêm 1 tiếng đồng hồ sau thời gian làm việc để đáp ứng các khoản thanh toán của DN, người dân.

Đối với việc thanh toán bằng ngoại tệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, của các khu công nghiệp, khu chế xuất, DN xuất nhập khẩu có kế hoạch mua bán ngoại tệ với đối tác, trong thời gian 9 ngày nghỉ Tết, các NHTM phải thông báo trước, bố trí trực và có kế hoạch hỗ trợ đầy đủ việc thanh toán ngoại tệ cho khách hàng, DN để tránh tình trạng gây ra khó khăn, ảnh hưởng lợi ích kinh tế.

Để tránh tình trạng tắc nghẽn ATM, NHNN đã yêu cầu các NHTM phải tăng chất lượng dịch vụ ATM, đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo vệ các máy ATM… Ngoài ra, cần hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch để thực hiện các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt như rút tiền mặt, thống nhất với các DN có kế hoạch trả lương trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp, tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền tại máy ATM.