Cụ thể, số lượng trạm có AQI đạt mức tốt tăng, nhưng đồng thời tỉ lệ số ngày AQI chạm ngưỡng kém cũng tăng, điển hình là các trạm quan trắc giao thông như Minh Khai, Hàng Đậu và Phạm Văn Đồng.
Chỉ số chất lượng không khí trong tuần dao động trong khoảng 42 - 182. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 42 - 161, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 43 - 182.
Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình là chủ yếu, số ngày AQI ở mức tốt tăng nhẹ so với tuần trước, và tại tất cả các trạm nền đô thị đều xuất hiện AQI chạm ngưỡng kém. Số ngày AQI đạt mức tốt tại các trạm Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình và Tân Mai đều tăng lên chiếm 28,6%, trạm Tây Mỗ 14,3%; số ngày AQI chạm ngưỡng kém tại các trạm Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ chiếm 14,3%, riêng trạm Trung Yên 3 chiếm 42,9%.
Tại 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, trong tuần này chất lượng không khí duy trì chủ yếu ở mức kém, chiếm 71,4%; tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là vào ngày 17/1 tại trạm Minh Khai AQI đạt mức tốt, chiếm 14,3%; còn trạm Phạm Văn Đồng không có ngày nào AQI ở mức tốt. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 182 và 174.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, trong tuần này chất lượng không khí có sự thay đổi. Cụ thể, tại trạm Hàng Đậu chất lượng không khí trong tuần chủ yếu ở mức kém, chiếm 71,4%, còn lại ở mức trung bình; tại trạm Thành Công số ngày AQI ở mức kém cũng tăng lên chiếm 42,9%, mức tốt 14,3%; tại trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày nào AQI ở mức kém chiếm 14,3%, mức tốt tăng chiếm 28,6%, còn lại ở mức trung bình.
Có thể thấy, điều kiện khí tượng giữa các ngày trong tuần có sự khác nhau rõ rệt. Cụ thể, từ ngày 13/1 đến ngày 15/1 điều kiện khí tượng khá bất lợi như không có nắng, sáng sớm có sương mù, độ ẩm cao, không có gió đã phần nào hạn chế việc khuếch tán các chất thải, khói bụi lên các tầng khí quyển cao để phát thải, mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến nồng độ các chất có trong không khí tăng lên.
Tuy nhiên, từ chiều tối ngày 15/1 do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa và gió mạnh, mưa làm cho bề mặt đô thị sạch hơn giúp cho không khí xung quanh ở gần mặt đất chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người; đồng thời gió mạnh đã làm tăng cường sự đối lưu không khí tạo điều kiện thuận lợi để các chất thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn khiến chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt.
Nhưng từ chiều ngày 17/1 đến ngày 19/1 khi gió mùa đã ảnh hưởng trực tiếp, điều kiện khí tượng không còn thuận lợi như: Không mưa, âm u, hanh khô, độ ẩm khá thấp đã làm cho các khí thải khói bụi có trong không khí không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến nồng độ các chất thải ở mức khá cao, chỉ số chất lượng không khí lại tăng cao, chất lượng không khí giảm xuống rõ rệt.