70 năm giải phóng Thủ đô

Không kích cầu theo cơ chế “bao cấp”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về việc sử dụng gói tín dụng ưu đãi từ vốn ngân sách cho chương trình NƠXH với báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, không lý do gì cứ mãi bao cấp và không thể kích cầu “bao cấp” một cách tràn lan khi thị trường hoàn toàn có thể tự chủ.

 GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Hầu hết các chủ đầu tư đang theo đuổi thị trường NƠXH đều kỳ vọng tiếp tục mở thêm gói vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN và người mua nhà. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Cách này Sigapore và Hong Kong thực hiện rất tốt do các quốc gia này là một đô thị với giá đất cao. Còn Việt Nam, đất nước 90 triệu dân dàn trải rất khó “bền”. Giả dụ có gói 1000 tỷ đồng được thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đi chăng nữa cũng chỉ đủ cho đối tượng thu nhập thấp vay tiền…sửa nhà chứ không thể phát triển NƠXH được. Bối cảnh gói 30.000 tỷ đồng ra đời với mục đích khơi thông “cục máu đông” thị trường BĐS đang đóng băng, về cơ bản đã giải quyết những khó khăn tồn đọng, thị trường đã bắt đầu phục hồi và phát triển. Vì lẽ đó, hiện tại, DN và người mua nhà phải có trách nhiệm chủ động tài chính của mình, không thể trông chờ mãi vào “bầu sữa” ngân sách. Muốn NƠXH có lời giải, phải tính phát triển theo cách “bia kèm lạc”.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mô típ “bia kèm lạc”?

- “Bia kèm lạc” ở đây là xây nhà nhưng phải xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, đầy đủ tiện ích phục vụ cho cư dân, chứ không chỉ có mỗi cái nhà. Ví như dự án nhà thu nhập thấp KĐT Đặng Xá, tuy xa trung tâm nhưng xây đến đâu bán hết đến đó vì được quy hoạch đồng bộ, thực hiện cơ sở hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm, chợ, siêu thị,… đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đời sống của cư dân, không gian sống lại trong lành. Hay như KĐT Ecopark, dù không phải dự án NƠXH, song với khu West Bay và Aqua Bay, Ecopark đã dẫn đầu cuộc đua “căn hộ đẳng cấp, giá bình dân”, được xây dựng trên nền tảng hạ tầng chung của toàn dự án, quỹ đất rộng lớn và hạ tầng xanh, đồng bộ, đem lại cơ hội sở hữu nhà giá rẻ cho 70% cư dân đô thị đang có nhu cầu thực sự về nhà ở. Vì vậy, khách hàng phải xếp hàng từ đêm để mua căn hộ tại đây. Điều đó cho thấy, để thị trường NƠXH hay nhà thương mại giá bình dân phát triển bền vững thì nhất định phải xây dựng theo mô tuýp “bia kèm lạc”. Xây dựng phải làm sao vừa bảo đảm được chất lượng, vừa không gây quá tải cho hạ tầng như một số dự án khác đã là bài học nhãn tiền. Từ khâu quy hoạch cho đến thiết kế dự án phải chuẩn chỉ, không “chạy trước xin sau”.

Tôi được biết, Vingroup cũng đang đề xuất phát triển một khu vực lớn hơn cả Ecopark tại huyện Gia Lâm theo mô hình khu đô thị. Trong đó, dành một phần phát triển nhà ở thương mại giá rẻ với đầy đủ tiện ích, hạ tầng. Hiện nay, Vingroup cũng đang bắt đầu quảng bá nhà mẫu ở Gia Lâm. Tuy nhiên, ít nhất phải 3 năm nữa, mới có hiệu quả. Lúc đó, may ra mới kích được thị trường sôi động hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường vẫn giữ nhịp “bình bình” như hiện tại, thưa ông?

- NƠXH vừa với khả năng thanh toán, cung thiếu nhiều nhưng có dự án vẫn ế chỏng trơ. Nguyên do tôi đã nói ở trên. Theo tôi, chủ yếu thị trường BĐS năm nay hay năm sau vẫn chỉ loay hoay ở phân khúc giá trung bình chứ không có gì đột phá. Thực tế, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn, muốn giải quyết bài toán nhà ở cho đối tượng này trong giai đoạn hiện nay thì cần phát triển tốt - phải giải quyết tốt phân khúc thương mại giá rẻ. Việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ nếu được tạo điều kiện, các nhà đầu tư sẽ xoay xở làm được. Nhà nước có thể đưa ra một số chính sách trợ giúp và hoàn toàn không cần thiết phải dùng tiền mặt, ví dụ như giảm thuế. Có thể đánh thuế cao hơn đối nhà ở thương mại giá cao còn phân khúc giá rẻ có thể giảm thuế hay thậm chí là miễn thuế VAT. Ở dẫn chứng này, dù còn nhiều bàn luận trái chiều, tôi vẫn đánh giá cao Tập đoàn Mường Thanh khi cung cấp được một khối lượng lớn nhà giá rẻ, kéo được giá của toàn thị trường BĐS.

Xin cảm ơn ông!