Không lạm dụng quyền hạn để vận động bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội...

Kinhtedothi - Chiều 5/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội và ĐB HĐND. Trong đó, các hình thức vận động bầu cử vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trước đó, trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự Luật được trình ra Quốc hội, một nội dung được nhấn mạnh là thiết chế mới - Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý: Hội đồng Bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định, với những chức năng đã được xác định rõ, bao gồm tổ chức bầu cử ĐB Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử ĐB HĐND các cấp; Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, làm rõ thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng. Trong khi trách nhiệm tổ chức bầu cử ĐB Quốc hội được giao cho Hội đồng Bầu cử quốc gia thì việc chủ trì tổ chức bầu cử ĐB HĐND lại chưa được xác định cụ thể là trách nhiệm của cơ quan nào. Một số ý kiến cũng đề nghị, trong Luật cần quy định cụ thể số lượng thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia, quy định tiêu chuẩn thành viên hoặc cơ cấu đại diện của các cơ quan, tổ chức sẽ tham gia vào Hội đồng này tương tự như đối với Hội đồng Bầu cử ở T.Ư hiện nay để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia như quy định của Hiến pháp.

Về 2 hình thức vận động tranh cử mà Dự Luật đưa ra là vận động bầu cử thông qua hội nghị cử tri do MTTQ Việt Nam và vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều ĐB Quốc hội đề nghị bổ sung thêm hình thức người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định hình thức này, bởi cách thức tổ chức bầu cử ở Việt Nam có đặc thù riêng, người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu. Do vậy, những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử. Hơn nữa, qua thực tiễn cuộc bầu cử  cho thấy, có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với các ứng cử viên khác.

Đồng tình với những ưu điểm mà Dự Luật đưa ra, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng: Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử của Dự án Luật chưa thật sự đầy đủ và chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế. Các ứng viên cũng không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Cũng trong chiều 5/11, các ĐB đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Nhiều ý kiến tại đoàn Hà Nội tán thành với Dự Luật là không quy định việc MTTQ tham gia giám sát, phản biện với Đảng, lý do vì Hiến pháp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay hầu như không có quy định cụ thể về vấn đề này mà do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định. Các ý kiến cũng cho rằng, các quy định cụ thể hóa chức năng giám sát và phản biện đưa vào luật nhưng phải thể hiện ở mức khả thi để việc giám sát, phản biện được nghe và chấp nhận, chứ không phải buộc đối tượng bị giám sát phải thi hành.
Luật cần bổ sungnội dung về tăng năng suất lao động

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Trong đó, phần lớn ý kiến ĐB đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đổi tên Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật.

Mặc dù đồng tình với đề xuất thống nhất đầu mối quản lý, nhưng giao cho bộ nào thì các ĐB vẫn còn ý kiến khác nhau. Trong khi quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nếu giao cho Bộ GD&ĐT thì sợ "quá tải", nên đề nghị giao cho Bộ LĐTB&XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về GDNN.

Đưa ra vấn đề cấp bách hiện nay là phải đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cho đất nước, nhưng đào tạo nghề quá yếu kém về chất lượng, ĐB Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng: Dự Luật lại chưa có tầm nhìn khi chưa quy hoạch được mạng lưới dạy nghề cho tương lai. Đồng thời đề nghị cần bổ sung chính sách miễn phí học nghề cho người dân ở vùng bị lấy đất cho dự án. ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cho rằng, nguyên nhân là đào tạo nghề hiện nay chưa hợp lý, chưa phát huy được tiềm năng của lao động Việt Nam. “Trong bối cảnh hiện nay, tăng năng suất lao động là vấn đề rất bức thiết, vì vậy, Luật cần bổ sung vấn đề về tăng năng suất lao động" - ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị. Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, cần có chính sách để người dân thích học nghề giống như thích vào học ĐH, CĐ.