Không lo đầu ra, chỉ lo chất lượng nguồn hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cam kết tiêu thụ ít nhất 1.000 tấn vải đạt tiêu chuẩn VietGap của tỉnh Hải Dương trong năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương và lãnh đạo Hapro kiểm tra chất lượng vải Thanh Hà trước khi  Hapro tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương và lãnh đạo Hapro kiểm tra chất lượng vải Thanh Hà trước khi Hapro tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, để việc tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh Hải Dương cần hỗ trợ DN trong việc đảm bảo nguồn hàng, giá cả ổn định, sản phẩm bảo đảm chất lượng - đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Hapro tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc tiêu thụ vải tổ chức ngày 19/5.

100 điểm tiêu thụ vải

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, dự kiến trong năm 2015, sản lượng vải tươi của tỉnh đạt 50.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn vải thu hoạch sớm, từ 10/5 - 5/6, và 40.000 tấn vải thu hoạch từ 5/6 - 5/7.  Để hỗ trợ người dân huyện Thanh Hà tiêu thụ vải, trong tháng 5/2015, Hapro phối hợp với UBND huyện Thanh Hà tổ chức thu mua khoảng 3.000 tấn vải tươi trong đó có 1.000 tấn vải đạt tiêu chuẩn VietGap. Hapro đã giao cho Công ty CP Phân phối Hapro làm đầu mối trực tiếp ký kết các hợp đồng thu mua sản phẩm. Nhằm đưa vải thiều Hải Dương tới tay người tiêu dùng, Hapro sẽ tổ chức bán buôn tại chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Bắc Thăng Long, chợ Bưởi... Chi nhánh phía Nam của Hapro cũng đã đăng ký mua số lượng vải lớn để tiêu thụ tại các thị trường TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Phước, Bình Dương…

Ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết: Bên cạnh việc tổ chức bán buôn tại chợ đầu mối, đưa hàng vào phía Nam tiêu thụ, các DN thành viên Hapro sẽ tổ chức 100 điểm bán lẻ tại Hà Nội.  Đồng thời, Hapro còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm vải thiều Thanh Hà tới người tiêu dùng trong cả nước.

Tăng cường hỗ trợ DN  khi thu mua

Mặc dù DN đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân tiêu thụ vải, thế nhưng chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ chưa được người sản xuất quan tâm điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho DN.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro nêu ý kiến: Để đưa sản phẩm vải vào phía Nam tiêu thụ mất khá nhiều thời gian, trong khi đó vải là loại quả nhanh bị hỏng dẫn tới việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị chính quyền và người dân, DN tỉnh Hải Dương cần đầu tư kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch để tăng thời gian bảo quản trái vải lên tối thiểu 5 ngày, thay vì chỉ bảo quản được từ 1 - 3 ngày như hiện nay. Đồng tình với ý kiến này, ông Thắng cũng kiến nghị: Sản phẩm nông sản nói chung, quả vải nói riêng giá bán không cố định mà tăng giảm thất thường. Để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân cũng như DN, tỉnh Hải Dương nên xây dựng chiến lược bảo đảm giá cả ổn định trong một thời gian nhất định. “Chẳng hạn Hapro ký hợp đồng trong 3 ngày liên tục mua vải với giá 15.000 đồng/kg, nếu giá bán trên thị trường hạ xuống 10.000 đồng/kg, DN vẫn thu mua cho bà con với giá 15.000 đồng/kg, nhưng nếu giá vải tăng lên 18.000 - 20.000 đồng thì người nông dân vẫn bán cho DN với giá 15.000 đồng trong 3 ngày chứ không được dừng giao hàng cho DN. Nếu giá cả lên xuống thất thường sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tiêu thụ của đơn vị”, ông Thắng khẳng định.

Trước những kiến nghị của Hapro, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu UBND huyện Thanh Hà và các DN , người kinh doanh tỉnh Hải Dương cần phải tăng thời gian bảo quản, chú trọng cải thiện bao bì, gắn nhãn mác đầy đủ cho sản phẩm. Tỉnh Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản. Để ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, UBND tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà yêu cầu một số hộ dân có sản lượng lớn định giá bán sản phẩm cho Hapro. Nhưng để làm được điều này, Hapro phải trực tiếp ký kết hợp đồng với những hộ dân và đặt cọc một phần kinh phí, qua đó các ngành chức năng Hải Dương có cơ sở pháp lý ngăn chặn việc người dân không bán sản phẩm cho Hapro khi thị trường tăng giá.

Kiến nghị từ phía DN cho thấy, người dân nên nâng chất lượng sản phẩm trong quá trình tiêu thụ tại thị trường nội địa, nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt thì chắc chắn người tiêu dùng trong nước sẽ chấp nhận chi trả một mức giá xứng đáng. Nhưng, quan trọng hơn cả các bộ, ngành, DN và người nông dân cùng chung tay trong việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng, mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung.