Thưa bà, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP Hà Nội có sự chuẩn bị nguồn hàng như thế nào? Sở Công Thương Hà Nội đánh giá thế nào về thị trường Tết năm nay?- Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của Nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018).
Cụ thể, các DN sản xuất bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ Tết dự kiến đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, chè, miến dong, bột sắn… tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng. DN kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng. Ngoài ra, có 20 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với lượng hàng hóa dự trữ khoảng 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo lượng hàng phục vụ Tết Nguyên đán, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Riêng mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh những biến động lớn, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với nhiều nhà cung cấp để có thể bình ổn thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những thời điểm cao điểm.
Với sự chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào như vậy, đồng thời thu nhập của người dân không có nhiều biến động lớn, dự báo tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khó có thể xảy ra.
|
Khách chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Vậy, công tác tổ chức kinh doanh, phân phối hàng hóa Tết hiện đang được triển khai ra sao, thưa bà?- Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Hà Nội có 125 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng từ ngày 5/2 (tức ngày mùng 1 Tết). Ngày 6 và 7/2 (tức ngày mùng 2 và mùng 3 Tết) có thêm 75 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng trở lại để phục vụ Nhân dân. Từ ngày mùng 4 Tết (tức 8/2), phần lớn các siêu thị kinh doanh thực phẩm thiết yếu, các chợ và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP đồng loạt mở cửa phục vụ Nhân dân bình thường.
TP Hà Nội đã rà soát được 35 điểm để giới thiệu cho hệ thống Vinmart và Co.op Food nghiên cứu phát triển thành điểm bán hàng cố định phục vụ Nhân dân. Ngoài ra, TP Hà Nội cùng chính quyền các địa phương, DN phối hợp tổ chức 64 điểm chợ hoa Xuân trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Đặc biệt, từ ngày 24 - 29/1, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ Hợi 2019 tại Công viên Thống Nhất, qua đó tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền.
Với người dân, hai mối lo lớn nhất khi tiêu dùng dịp Tết là vấn đề VSATTP và tình trạng tăng giá đột biến. Vậy, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai những giải pháp nào để giảm bớt nỗi lo này của người tiêu dùng?- Vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không bảo đảm VSATTP, không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường. Nhằm ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế... thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, các siêu thị, chuỗi cửa hàng, cơ sở sản xuất... Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng hàng hóa trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các đội quản lý thị trường địa bàn và đội cơ động tăng cường kiểm tra các kho bãi, nơi cất giữ hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến ATVSTP; giám sát các lò mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm VSATTP.
Về giá cả, tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá, đồng thời phối hợp Sở Tài chính Hà Nội kiểm soát diễn biến giá cả trên thị trường, tăng cường quản lý ngăn chặn tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao trong dịp Tết. Để giảm thiểu tình trạng thiếu hàng cục bộ, TP Hà Nội đã cấp phép cho 125 xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành.
Xin cảm ơn bà!