Không lơ là với lạm phát

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát (CPI) có liên quan trực tiếp đến mức sống thực tế của người tiêu dùng và lòng tin đối với đồng tiền quốc gia… Mặc dù đang có những tín hiệu khả quan, nhưng tuyệt đối không thể lơ là bởi vẫn có thể lạm phát cao.

Tín hiệu khả quan
Diễn biến CPI quý I được xem xét dưới các góc độ khác nhau. Dưới góc độ thời gian, tháng 1 tăng rất thấp (chủ yếu do giá điện được cắt giảm nhằm hỗ trợ); tháng 2 tăng khá cao, một phần do giá điện không được cắt giảm lại so với tháng 1, một phần do nhu cầu tiêu dùng trong tháng có Tết cổ truyền; tháng 3 giảm 0,27%. Tháng 3/2021, so với tháng 12/2020 tăng 1,31% - là tốc độ tăng cao nhất sau 3 tháng của cùng kỳ trong 8 năm qua. Bình quân 3 tháng năm nay so với cùng kỳ tăng 0,29%, lại là mức thấp so với CPI bình quân tương ứng của cùng kỳ nhiều năm trước...
  Người tiêu dùng mua hàng tại Vinmart. Ảnh:Công Hùng
Dưới góc độ nhóm hàng hóa, dịch vụ, CPI quý I/2021 có một số diễn biến đáng lưu ý. Tháng 3/2021 so với tháng 12/2020 có 10/11 nhóm tăng, trong đó tăng cao hơn tốc độ tăng chung có 2 nhóm là giao thông (6,24%), nhà ở và vật liệu xây dựng (1,84%); chỉ có 1 nhóm giảm là bưu chính viễn thông (giảm 0,20%). Đối với CPI bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước, trong 11 nhóm, có 7 nhóm tăng.

Khả quan nhất là CPI bình quân kỳ này so với kỳ trước giảm và tăng thấp ngay trong các kỳ từ đầu năm (tháng 1 giảm 0,97%, 2 tháng giảm 0,14%, quý I tăng 0,29%). Dù có xu hướng tăng lên trong các kỳ tiếp theo (4 tháng, 5 tháng,…, 12 tháng), thì CPI bình quân năm 2021 so với 2020 cũng khó vượt qua mốc 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nếu dự báo đó là đúng thì năm 2021 sẽ thực hiện được mục tiêu kế hoạch và đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Dự báo trên là có cơ sở, bởi diễn biến trong 3 tháng qua cũng như các yếu tố tác động trong thời gian tới vẫn có những điểm chưa gây lạm phát cao.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2021 tuy cao hơn cùng kỳ năm trước (4,48% so với 3,68%), nhưng việc sử dụng GDP vẫn còn yếu.
Quý I/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu (2,03 tỷ USD), chứng tỏ sử dụng GDP yếu hơn sản xuất GDP (nhưng lại tác động tích cực đến sản xuất GDP ở trong nước vì giảm bớt sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, do đó có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP).

Quan hệ cung - cầu cụ thể về nhiều mặt hàng tiếp tục chuyển dịch theo hướng cung lớn hơn cầu, nhất là nhiều mặt hàng thủy sản, một số sản phẩm chăn nuôi, nhiều loại rau quả, cà phê, chè, hạt tiêu,…

DN tiếp tục gặp khó khăn. Số gia nhập thị trường (gồm đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động) giảm 1,2% (550 DN), ít hơn số ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường, làm cho số DN đang hoạt động tăng trong quý I năm nay ít hơn số DN đang hoạt động tăng thêm trong cùng kỳ năm trước 3.715 DN so với 9.706 DN. Khó khăn của DN sẽ làm cho công ăn việc làm của người lao động gặp khó khăn, tác động đến nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng.

Về tiền tệ - yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát - thì tiền gửi tiết kiệm tăng chậm (0,54%) do lãi suất đã bị thực âm; trong khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 7,5 triệu đồng/lượng, giá bất động sản bước vào chu kỳ tăng (1993, 2000, 2007, 2014, 2020 - 2021), điểm số chứng khoán đạt kỷ lục mới (có thời điểm vượt 1.200 điểm)… lại hút tiền vào nên lượng tiền dành cho tiêu dùng bị co lại.

Không thể chủ quan

Mặc dù có những tín hiệu khả quan như trên nhưng vẫn có nguy cơ lạm phát cao. Trên thế giới, với sự nới lỏng tiền tệ khủng trong thời gian khá dài và có thể còn tiếp tục (thông qua lãi suất cơ bản gần như bằng 0, không thể thấp hơn, thông qua lượng tiền khủng mà các ngân hàng T.Ư đã đưa ra lên tới hàng chục nghìn tỷ USD, tương đương với khoảng 20% GDP toàn cầu…); với lượng tiền lớn từ thị trường chứng khoán, thị trường vàng… sẽ chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ, gây áp lực lên giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, giá cả hàng hóa nhập khẩu, tăng chi phí đẩy cho các nước nhập khẩu.

Ở trong nước, tỷ giá VND/USD sau 3 tháng giảm 0,63%, bình quân 3 tháng so với cùng kỳ giảm 0,58%. Dịch Covid-19 đang được kiểm soát, kỳ vọng sau khi có vaccine tiêm phòng thì việc kiểm soát sẽ tốt hơn, sớm hơn năm trước, tạo điều kiện cho việc mở cửa nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ theo mô hình chữ V (tăng cao trong 2 năm 2018, 2019, xuống đáy trong năm 2020 và vượt lên trong năm 2021) theo các kịch bản dự báo mà các chuyên gia đã dự báo. Các tổ chức đều đánh giá GDP của Việt Nam tăng cao.

Tăng trưởng kinh tế cao lên của năm 2021 đã có tín hiệu từ 3 tháng đầu năm. Tăng trưởng kinh tế cao nên đòi hỏi những yếu tố có liên quan (như vốn đầu tư, tín dụng,…) tăng lên theo, đồng thời cũng sẽ làm tăng cầu và gây ra những hiệu ứng phụ, nhất là sức ép đối với lạm phát.
Ngoài ra, có thể một số tổ chức liên quan đến việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ (như giáo dục, y tế, điện, xăng dầu, nước,…) tăng lên, góp phần tạo ra mặt bằng giá mới. Đó là chưa nói tới các gói hỗ trợ, kích thích cũ được đẩy nhanh thực hiện và các gói mới được đưa ra cũng sẽ tạo thêm áp lực đối với lạm phát.

Lãi suất tiết kiệm giảm, hiện ở mức thấp (chuyển sang thực âm so với tốc độ tăng CPI), làm cho tiền khó vào ngân hàng, thậm chí còn được rút ra đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, chạy ít vào thị trường mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, chứng khoán có thể bị giảm điểm khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra, các nhà đầu tư đã thu được lợi rút chuyển sang kênh khác, các nhà đầu tư F0 cũng rút dần; cơn sốt trên thị trường bất động sản theo các chu kỳ trước chỉ kéo dài khoảng 1 - 2 năm (tính từ 2020); giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới trên dưới 8 triệu đồng/lượng, nên khó đạt trở lại đỉnh điểm (62 triệu đồng/lượng) vào đầu tháng 8 năm trước… Nếu lượng tiền ở các thị trường trên được chuyển dòng sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thì sẽ gây áp lực lên lạm phát.