Không né tránh, nhưng cân nhắc khi sửa Điều 60 Luật BHXH 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/5, lần đầu tiên UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ xin điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quanh quy định hưởng BHXH một lần, sau khi có sự phản ứng từ công nhân ở một số nơi.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

 
Không né tránh, nhưng cân nhắc khi sửa Điều 60 Luật BHXH 2014 - Ảnh 1

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trình bày báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật BHXH 2014 về BHXH 1 lần.

Cho ý kiến vào báo cáo này của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề xuất UBTV Quốc hội 2 phương án điều chỉnh. Phương án 1: Tán thành việc điều chỉnh Điều 60 Luật BHXH năm 2014 theo đề xuất của Chính phủ. Phương án 2: Giao cho Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện chính sách này. Nếu thực hiện theo phương án 2 thì cần xây dựng lộ trình để nâng dần điều kiện thời gian và phải đồng bộ với quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật BHXH năm 2014.

Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ vẫn gây băn khoăn cho các thành viên UBTV Quốc hội khi thảo luận. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: Đây là vấn đề rất thận trọng nên cần đưa ra Quốc hội thảo luận, cân nhắc quyết định, nếu Quốc hội thống nhất sửa thì phải sửa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam từ năm 1946 xảy ra vụ việc công nhân phản ứng để phản đối một điều luật khi luật còn chưa đến thời điểm thi hành.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: “chúng ta cần phải tập trung trả lời được câu hỏi sửa hay không sửa Điều 60 trước? Chúng ta không nên né tránh, song điều chỉnh hay không thì phải rất thận trọng, kỹ càng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhưng chúng ta phải bình tình xem xét vấn đề này một cách thấu đáo. Mục tiêu, chính sách của điều 60 là rất đúng, rất nhân văn. Hiện Luật chưa có hiệu lực, chưa nên sửa ngay.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nêu quan điểm cho rằng, phải sửa luật theo hướng linh hoạt, vừa tuyên truyền cho người lao động không nên lạm dụng hưởng BHXH một lần nhưng trường hợp người lao động quá khó khăn thì cũng nên giải quyết cho hưởng quá thì cho hưởng 1 lần.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, bổ sung hay sửa luật là việc bình thường Quốc hội phải làm, nhưng làm luật nào cũng phải có căn cứ, nguyên tắc, sự cần thiết. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu từ nay đến khi Luật BHXH có hiệu lực, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền vận động cho tốt. Nếu thấy làm không thể được, hoặc còn những nguyên nhân nào khác thì lúc đó phải khắc phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần