70 năm giải phóng Thủ đô

Không nên đạt tăng trưởng bằng mọi giá

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề hành lang Quốc hội sáng nay (23/5), về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng năm 2017 Chính phủ vừa đưa ra.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Danviet.vn
Theo ông Vân, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, nhất là ngay sau ngày họp đầu tiên, Thủ tướng đã triệu tập các thành viên Chính phủ để bàn sâu các giải pháp thực hiện.
Nhưng theo đại biểu, phải nhìn thấy những yếu tố tác động đến GDP. “Quyết tâm của Chính phủ tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng đang băn khoăn đến những yếu tố cấu thành làm nên tăng trưởng. Nhìn vào những hoạt động kinh tế chưa sôi động, cán cân xuất nhập khẩu mấy tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, trong khi chúng ta vẫn chú trọng khai thác tài nguyên, thoái vốn doanh nghiệp. Nhìn từ những yếu tố như vậy, nên mục tiêu tăng trưởng đề ra là hơi khó”, ông Vân nói và cho rằng chỉ kỳ vọng ngay sau Kỳ họp này phải có những giải pháp thật sự quyết liệt, một mặt đưa ngay tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa XII) vào cuộc sống.

Ông Vân cũng cho rằng cần nhận thức lại, GDP là mục đích hướng tới chứ không phải con số cố định mà bằng mọi giá đạt được. “Như để đạt con số 6,7%, chúng ta khai thác thêm dầu, khai thác thêm mỏ… Đấy là những tài sản tạo hóa ban cho dân tộc ta, có thể để dành được và nguồn thu như vậy cũng không căn bản. Căn bản ở đây là làm sao tạo ra động lực phát triển nội tại nền kinh tế”, đại biểu Vân nói.

Ủy viên Thường trực Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong khi chưa ban hành kịp những đạo luật của Quốc hội thì Chính phủ cần bắt tay ngay vào những văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ ngay các rào cản của kinh tế tư nhân.

“Các thành phần kinh tế bây giờ phát triển bình đẳng, kinh tế tư nhân là một khu vực quan trọng, là yếu tố đột phá. Nếu phá bỏ được rào cản đấy bằng những thể chế chính sách pháp luật ngay lập tức sau Kỳ họp này sẽ là những giải pháp cực kỳ quan trọng, then chốt cho khu vực giàu tiềm năng này. Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 39 - 40% GDP. Nếu giải phóng được nguồn lực khu vực này, tôi rất kỳ vọng còn cao hơn nhiều nữa”, ông Lê Thanh Vân nói.