Không nên hoài cổ về văn hóa Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếp sống, nếp nhà Hà Nội không hẳn đã mất. Quá nửa thế kỷ...

Không nên hoài cổ về văn hóa Hà Nội - Ảnh 1
Kinhtedothi - “Nếp sống, nếp nhà Hà Nội không hẳn đã mất. Quá nửa thế kỷ chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội, tôi cho rằng, Hà Nội bây giờ đang giữ nhiều nét đẹp mà quá khứ chưa từng có” – một người con Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội (giai đoạn 1991 - 2000), Công dân Thủ đô ưu tú (2013), Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nhà thơ Bằng Việt đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị như vậy.

Sở hữu nhiều vẻ đẹp hơn so với 30 năm trước

Lâu nay chúng ta nói khá nhiều về văn hóa Hà Nội và sự suy thoái của nó. Chứng kiến sự thay đổi đó, ông có cho rằng văn hóa Hà Nội đang ở mức “báo động”?

- Hà Nội khi chưa đổi mới, chưa chứng kiến một cuộc giao thoa văn hóa dồn nhập như hiện nay chắc chắn sẽ tĩnh lặng, trầm lắng hơn. Thế nhưng, văn hóa Hà Nội hiện nay cũng sở hữu nhiều nét đẹp hơn 30 năm trước. Sự văn minh, đời sống vật chất, cảnh quan môi trường… đều có nhiều biến đổi, đẹp lên…, vì thế mà kéo theo sự phong phú của đời sống văn hóa. Từ lối sống đến thời trang của người Hà Nội đã hội nhập với quốc tế, bên cạnh những nét riêng không còn tỏ ra khu lập. Không thể nhìn một bộ phận hành xử thiếu ý thức mà đánh giá văn hóa người Hà Nội đang xuống cấp. Khi tôi ra công viên, nhìn các cháu 2 - 3 tuổi không cần sự hướng dẫn của người lớn cũng tuần tự xếp hàng để chơi cầu trượt. Rõ ràng lối hành xử văn minh như xếp hàng, không vượt đèn đỏ, không vứt rác bừa bãi… đã hình thành trong nếp sống của trẻ thơ Hà Nội.

Tôi không phải mẫu người hoài cổ mà nghĩ rằng Hà Nội phải như 20 hay 30 năm trước. Hà Nội cũng như bao nhiêu TP khác, phải có sự biến đổi, khi đó có những lối sống cần giữ lại nhưng có những cách hành xử chỉ nên giữ lại trong quá khứ, phù hợp với thời kỳ nền công nghệ thông tin chưa ào ạt tràn vào.
Nét đẹp giữa đời thường.
Nét đẹp giữa đời thường.
Trước những giao thoa văn hóa, người Hà Nội đang loay hoay khi các nền văn hóa khắp bốn phương hòa nhập vào; không biết nên giữ lại cái gì và bỏ đi cái gì. Ông lý giải thế nào về điều này?

- Bên cạnh nhiều cái được, rõ ràng văn hóa Hà Nội thể hiện nhiều mặt hạn chế, lối sống trở nên xô bồ hơn, nói tục, chửi bậy cũng không thiếu. Chính vì vậy, UBND TP đã giao cho Sở VH&TT Hà Nội đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Tôi có đọc thông tin về Dự thảo của bộ quy tắc đó qua báo chí, và thấy rằng đó là những quy định rất bình thường: Kính trên nhường dưới, học trò gặp thầy cô giáo phải chào, không nói tục, chửi bậy nơi công cộng… Theo tôi, văn hóa ứng xử tối thiểu này là nhiệm vụ của ngành giáo dục. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ngành giáo dục mải lo thành tích, ngành văn hóa phải đứng ra lo toan đỡ phần nào cũng là điều phải chấp nhận.

Trong khi lịch sử hàng ngàn năm, chưa bao giờ Thăng Long – Hà Nội lại chứng kiến sự thay đổi đột ngột về thành phần dân cư như hiện nay. Lượng người từ bốn phương chuyển đến nhiều, trong khi từ năm 1954 vì nhiều lý do, người Hà Nội di dân đi nơi khác cũng không phải ít. Nếp sống, nếp nghĩ của người Hà Nội cũng vì thế mà thay đổi theo, đó không hẳn là vấn đề. Chúng ta đừng bất công, tách rời sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội với sự xuống cấp văn hóa đang diễn ra ở bất cứ vùng đất nào. Để khắc phục được sự thật ấy thì lại là một câu chuyện rất dài. Lý giải một cách thật chuẩn xác về những gì đang diễn ra tại một Hà Nội luôn biến đổi theo từng ngày là điều không dễ chút nào. Nói rộng ra, tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do khiến chúng ta chưa thỏa mãn với những sáng tác về Hà Nội trong thời gian qua. Hà Nội của các cụ Bùi Xuân Phái, Vũ Bằng, Thạch Lam… bình lặng và thuần khiết hơn - trong khi tác giả và cả người đọc bây giờ vẫn chưa thoát khỏi mớ bòng bong trong cách cắt nghĩa về một Hà Nội đa chiều.

Nghĩa là nét đẹp của văn hóa Hà Nội sẽ không dễ mất đi, thưa ông?

- Là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội là mảnh đất “trăm hương đổ về”, luôn tập hợp tinh hoa văn hóa từ những vùng đất khác. Bởi thế, văn hóa Hà Nội không có tính bản địa mạnh như một vài tỉnh của Đồng bằng sông Hồng hoặc các tỉnh miền Trung. Ngược lại, những nếp sống, lối nghĩ, phong tục tập quán… hội tụ về Hà Nội sẽ rất sớm được chắt lọc giữ lại nếu đủ giá trị, để rồi lâu dần trở thành thuộc tính. Đó là cái mạnh và cũng là điểm yếu của văn hóa Hà Nội. Mạnh, vì nói theo cách của cố GS Trần Quốc Vượng, đó là nền văn hóa ưu việt để “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” tinh hoa văn hóa của cả nước. Yếu, bởi một nền văn hóa không có nhiều dân cư bản địa nhưng lại luôn tiếp nhận những yếu tố mới thì sẽ phải liên tục trăn trở, vật vã để “gạn đục khơi trong”, giữ những nét hay và đào thải những gì không phù hợp với mình.
Chứng kiến sự bát nháo xô bồ của một Hà Nội hơn chục năm qua, chúng ta vẫn hay phản ứng bằng cách đưa ra những so sánh về “văn hóa Hà Nội”, “nếp sống, nếp nhà Hà Nội”, hoặc “người Hà Nội cũ”. Nhưng, về bản chất, văn hóa Hà Nội có phải là một thứ gì bất biến, không dễ mất đi dù đứng trước nhiều thách thức lớn.
Nhà thơ Bằng Việt

Làm việc nhỏ trong lúc chờ quyết định vĩ mô

Tám năm giữ vai trò là Trưởng ban giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, ông cảm nhận được gì về sự đóng góp của một bộ phận con người, tập thể cho văn hóa Hà Nội?

- Tám năm qua đi nhưng cái kho để chúng tôi tôn vinh những con người, tập thể đóng góp cho Hà Nội không giảm chút nào. Bên cạnh những tên tuổi lớn như Nhà văn Tô Hoài, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà nghiên cứu Giang Quân chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều các gương mặt trẻ: Nhóm bạn trẻ với dự án Hà Nội đẹp và chưa đẹp, hay những công dân Pháp, Đức… đóng góp công sức cho văn hóa Hà Nội. 

Ông có nghĩ rằng, những đóng góp đơn lẻ sẽ chưa giúp được gì nhiều cho cái gọi là gìn giữ vẻ đẹp thanh lịch văn minh của người Hà Nội?

- Cách đây 2 năm, khi đến nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Vượng đã rơi nước mắt và chia sẻ: Suốt đời ông đã đóng góp bao nhiêu tác phẩm, đi biểu diễn khắp nơi và dành cho Hà Nội và công chúng Hà Nội một tình yêu lớn nhưng chưa hề được ghi nhận cho đến Giải thưởng Bùi Xuân Phái. Trước khi có những quyết định vĩ mô cho văn hóa Hà Nội thì chúng ta có thể làm ngay những việc nhỏ trước mắt để giữ lại một Hà Nội hợp lý hơn cho mình. Ở góc độ ấy, chính Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lại có tác động khá lớn để đưa những giá trị tinh thần của Hà Nội về với quỹ đạo cần có.

Xin cảm ơn ông!

 
Nhà thơ Bằng Việt từng nhận được hàng chục giải thưởng văn chương uy tín trong và ngoài nước. Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, ông được TP trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú vì đã đóng góp nhiều công trình khoa học về văn học nghệ thuật.