Không nên lướt sóng vàng

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khuyến cáo vào lúc này đối với không chỉ các nhà đầu tư mà cả người dân muốn tích trữ vàng hoặc có nhu cầu về vàng.

Phiên đầu tuần (ngày 11/7), giá vàng liên tục biến động, liên tục tăng từ mua vào 36,9 triệu đồng/lượng, bán ra 37,6 triệu đồng/lượng lên tương ứng 37,15 triệu đồng và 37,8 triệu đồng/lượng. Mặc dù giá vàng đã giảm sau khi đạt “đỉnh” 39,8 triệu đồng/lượng trong tuần đầu tháng 7 nhưng mức giá trên vẫn ở mức cao nhất trong gần 3 năm qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Các chỉ số thống kê tốc độ tăng/giảm giá vàng từ năm 2001 đến nay cho thấy, vàng đã có thời kỳ có tỷ lệ sinh lời rất cao, liên tục, kéo dài (đến mức “vàng bỏ ống cũng có lãi” tới 11 năm từ 2001 - 2011), đến mức hiếm có kênh đầu tư nào sánh được. Đây là yếu tố chủ yếu dẫn đến có khoảng 500 tấn vàng (tương đương với 20 tỷ USD) đọng trong dân. Từ hiện tượng này đã có đề xuất huy động nguồn vốn trên cho đầu tư. Và trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu.

Giá vàng cũng đã tăng thấp hoặc giảm sâu, liên tục, kéo dài tới 4 năm (từ 2012 - 2015). Bước vào năm 2016, giá vàng đã tăng trở lại. Tính chung 6 tháng qua (tính đến 15/6) đã tăng gần 10%. Đặc biệt, chỉ trong nửa tháng qua đã tăng “phi mã” tới hơn 3 triệu đồng/lượng, cao nhất trong hơn 3 năm, tăng gần 20% so với cuối năm trước. Chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào giãn ra lớn. Giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng - tạo ra thời cơ cho các nhà nhập khẩu vàng.

Giá vàng trong nước tăng cao do nhiều nguyên nhân. Trước hết do giá vàng thế giới tăng cao, có lúc lên đến 1.370 USD/ounce (hiện ở mức 1.356,3 USD/ounce). Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Trust chỉ trong ngày đầu tuần đã mua ròng thêm 3% khối lượng nắm giữ, nâng mức nắm giữ lên 983 tấn, cao nhất trong hơn 3 năm qua... Nguyên nhân quan trọng là từ trong nước. Vàng là kênh đầu tư hiện có tỷ suất lợi nhuận cao nhất so với các kênh đầu tư khác (kinh doanh hàng hóa, dịch vụ - yếu tố quan trọng trong tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI) tăng 2,35%, USD giảm 0,8%, VN-Index tăng khoảng 12,1%, bất động sản tăng khoảng 2,03%, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn năm đạt khoảng 3,6%). Ngoài yếu tố đầu tư là yếu tố cộng hưởng của tâm lý “tích cốc phòng cơ” và tâm lý mua bán theo đám đông.

Mặc dù giá vàng tăng cao như vậy, nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên dồn vốn vào vàng. Khuyến cáo này xuất phát từ nhiều lý do. Giá vàng có thể tăng, nhưng rồi giá USD sẽ tăng lên, mà giá vàng tính bằng USD, nên giá vàng không thể tăng trong dài hạn (thực tế sau khi tăng cao, giá vàng thế giới đã giảm tới 13,7 USD/ounce và đã kéo giá trong nước giảm hơn 2 triệu đồng/lượng). Chênh lệch giữa giá mua và giá bán khá cao, nếu lướt sóng thì bị chênh lệch này làm giảm lãi. Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân để vừa có vốn đầu tư, vừa hạn chế tình trạng vàng hóa, rồi sự "nóng lạnh" của thị trường này. Bài học giá vàng giảm từ 49 triệu đồng/lượng xuống còn 33 - 34 triệu đồng/lượng cũng làm cho người giữ vàng thận trọng...