Không nên rút bảo hiểm xã hội một lần

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nếu cứ quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần như hiện nay thì số người rút lên tới hàng triệu; cần phải tuyên truyền, hạn chế rút BHXH một lần và làm rõ quản lý quỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân

Rút BHXH một lần, nhiều người về già hết sức khó khăn
Thưa ông, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, nhiều người lao động quan tâm đến giảm số năm đóng nhưng không ủng hộ đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH một lần. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Nếu vì khó khăn trước mắt mà rút để chi tiêu, thì mai kia khi không còn khỏe, thậm chí ốm đau thường xuyên không còn nguồn thu nhập nào thì lấy gì để sống; và nếu phải khám chữa bệnh mà không có bảo hiểm y tế thì chi phí này phải tự lo là một gánh nặng rất lớn.

Ở các tỉnh phía Bắc, bài học rất cay đắng các đối tượng tinh giản biên chế theo Quyết định 176 - HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định 227- HĐBT ngày 29/12/1987 khi đó chỉ quan tâm đến rút BHXH một lần gửi tiết kiệm ở ngân hàng lấy lãi, sau này lãi suất ngân hàng giảm dần rồi rút ra tiêu hết, không có lương hưu đời sống đến nay hết sức khó khăn. Vì vậy, người lao động phải hết sức cân nhắc khi quyết định rút BHXH một lần.

Nhiều ý kiến người lao động ủng hộ giảm số năm tham gia BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu và còn muốn giảm cả tuổi nghỉ hưu?

- Theo tôi, đứng về phía người tham gia thì mong muốn như vậy là hoàn toàn dễ hiểu nhưng đứng trên phương diện chính sách khó có thể đáp ứng được. Đóng ít mà hưởng nhiều thì lấy nguồn tài chính ở đâu để bù đắp cho phần thiếu hụt, không thể lấy của người này bù cho người khác được.

Vì vậy, do mô hình BHXH của chúng ta là mô hình mức hưởng xác định trước (Defined benefit - DB) tỷ lệ lương hưu tối đa là 75% mức lương bình quân đóng BHXH cho nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh mức đóng và mức hưởng phù hợp để bảo đám cân đối quỹ an toàn và bền vững.

Nhất là trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh ở nước ta, do đó phải tăng mức đóng thông qua số năm tham gia để hưởng lương hưu phải dài hơn; còn mức 22% của cả người lao động và người sử dụng lao động là mức khá cao khó có thể tăng thêm.

Bây giờ, nếu căn cơ nhất là dần chuyển sang xác định mức đóng trước, người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít. Như thế Quỹ BHXH mới an toàn và bền vững được.
Làm rõ quản lý quỹ để người lao động yên tâm ở lại hệ thống
Nhưng thực tế hiện nay, theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH cứ 1,048 người tham gia đóng BHXH thì có 1 người ra khỏi hệ thống?

- Thứ nhất là, việc người ta rút BHXH một lần nhiều và có xu hướng tăng là do thị trường lao động có nhiều bất lợi đối với người lao động, dẫn đến thu nhập bấp bênh.

Thứ hai là chính sách tuyên truyền BHXH chưa đầy đủ khiến cho người ta chưa yên tâm và băn khoăn về việc nếu để lại tiền đóng BHXH. Khi số người rút bảo hiểm một lần gia tăng cũng thể hiện sự chưa thành công của chính sách, bởi lẽ hiện chỉ mới trên 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia chính sách BHXH.

Vấn đề này trở thành rào cản trong việc tăng độ bao phủ của chính sách BHXH.
Một vấn đề nữa, khi người ta khó khăn thì rất cần có chính sách tín dụng để họ được vay vốn với lãi suất ưu đãi giải quyết khó khăn. Nhưng nhu cầu này không dễ được đáp ứng, dẫn đến tín dụng đen len lỏi vào các khu trọ của công nhân và có tình trạng dùng sổ BHXH “bán lúa non” để giải quyết khó khăn trước mắt.
Với hai phương án về rút BHXH một lần được Bộ LĐTB&XH đề xuất (phương án 1 giữ nguyên như hiện nay, phương án 2 chỉ được hưởng 50% thời gian đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất), ông nghiêng về phương án nào?

- Qua theo dõi các phương tiện thông tin thì tôi thấy có hai lý lẽ: Người ta nói tiền của tôi đóng BHXH thì tôi có quyền sử dụng. Nhưng chính sách BHXH được ban hành để yêu cầu người lao động làm được tiền hôm nay phải tích lại để cho ngày mai.

Nếu người lao động làm hôm nay lo hết cho hôm nay thì cần gì phải có chính sách BHXH cho ngày hôm nay. Cho nên, BHXH một lần đang lúng túng ở chỗ đó.

Tôi nghĩ đến phương án ba là quyết liệt ủng hộ Điều 60 Luật BHXH là tuyên truyền, hạn chế không cho rút BHXH một lần. Nếu người lao động khó khăn thì tìm cách khác để giải quyết, ví dụ: Vay vốn tín dụng để tạo việc làm rồi sau này trả; phần đã đóng BHXH thì giữ lại để sau này đến tuổi nghỉ hưu thì hưởng chế độ BHXH.

Chứ còn, nếu cứ cho mọi người rút BHXH một lần thì tăng lên tới hàng triệu người, dẫn đến sau này Nhà nước phải trợ cấp, đó là cả câu chuyện.
Xin cảm ơn ông!