Không phải cây đũa thần

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội. Với lượng người sử dụng chiếm khoảng 57% dân số, ở nước ta, mạng xã hội đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Thực tế trên là lý do giải thích vì sao suốt nhiều ngày qua, việc Bộ TT&TT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ Quy tắc) đã và đang là một trong những sự kiện được quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả cộng đồng mạng.

Âm hưởng chung là hoan nghênh và ủng hộ. Có khá nhiều kỳ vọng. Chỉ nhìn qua các hàng tít trên các tờ báo cũng thấy được điều này: “Đã có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng, sẽ giảm thiểu những thông tin rác?”, “Môi trường mạng sẽ lành mạnh hơn với Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”, “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng: Thêm hy vọng gắn kết xã hội”…

Những kỳ vọng nói trên là hoàn toàn có cơ sở khi với sự ra đời của Bộ Quy tắc, những quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội được áp dụng cho tất cả các nhóm, bao gồm các tổ chức, cá nhân; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; các cơ quan nhà nước; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội… Đó là các quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm.

Cụ thể, cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Được ban hành vào thời điểm phù hợp, đương nhiên Bộ Quy tắc được đón nhận, quan tâm và kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, dù kỳ vọng nhưng chúng ta cũng cần hiểu Bộ Quy tắc không phải là cây đũa thần, ngay lập tức có thể làm lành mạnh không gian mạng xã hội vốn vô cùng đa dạng, phức tạp. Nó chỉ có thể có tác dụng thức tỉnh, nhắc nhở những người tham gia mạng xã hội về trách nhiệm của mình, như trách nhiệm của một công dân với cộng đồng. Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng tình trạng đáng buồn trên mạng xã hội thời gian qua khiến ta nghĩ tới những vấn nạn về giao thông mà chúng ta đang tìm mọi giải pháp để giải quyết, trong đó có việc kêu gọi xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông, bên cạnh những chế tài về luật pháp. Sự so sánh này cho ta đi đến một kết luận, dù cho Bộ Quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội được ban hành hay những tiêu chí về văn hóa giao thông được xây dựng, thì cốt lõi, nó có đi vào cuộc sống hay không, có góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra hay không, phụ thuộc rất lớn vào mỗi người tham gia giao thông cũng như tham gia mạng xã hội.

Tôi rất tâm đắc với quan điểm của một chuyên gia về giáo dục cho rằng để Bộ Quy tắc đem lại hiệu quả thực tế còn nhiều việc cần làm, như hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành, các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình và đặc biệt là rất cần có sự tham gia của công tác giáo dục. Nói cách khác, cần có sự giáo dục một cách căn cơ, lâu dài để có những thế hệ công dân số có trách nhiệm, ý thức được sự cần thiết và biết cách ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Rõ ràng, Bộ Quy tắc không phải cây đũa thần. Cái gốc của sự thành bại vẫn là làm sao để có những người sử dụng mạng có văn hóa, biết ứng xử chuẩn mực, tôn trọng nhau, có trách nhiệm trên môi trường mạng xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần