2 tháng đón hơn 8000 lượt khách quốc tế
Thông tin của Tổng cục Du lịch cho thấy sau 2 tháng triển khai đón du khách quốc tế, ngành du lịch 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa và Quảng Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine đến từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada...
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, đến nay Kiên Giang đã tổ chức đón tổng cộng hơn 10 chuyến bay với hơn 1.200 khách quốc tế. Dự kiến từ nay đến hết tháng 2/2022 sẽ đón thêm 2.200 du khách đến từ Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Dubai đến Phú Quốc vui chơi, giải trí. Thời gian tới du lịch Kiên Giang sẽ tập trung đón khách từ một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Canada, Singapore..
. “Nhìn chung việc thí điểm đón du khách được quốc tế sử dụng hộ chiếu Vaccine đến Phú Quốc, đánh dấu sự phục hồi và dánh đấu sự phát triển của ngành du lịch” - ông Bùi Quốc Thái nói.
Chia sẻ kết quả của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, những tháng cuối năm 2021, ngành du lịch Việt Nam tái khởi động du lịch và đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới chủ động đón khách du lịch qua đó lượng tìm kiếm quốc tế về thông tin du lịch Việt Nam tăng đáng kể. “Đây là bước đệm vững chắc để chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế sắp tới”- ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Sau khi Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế, gần 2 tháng qua Việt Nam đã đón hơn 8.000 lượt khách quốc tế. Điều đó cho thấy, Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách…Đây là động lực để chúng ta quyết tâm phục hồi nền du lịch. Nhưng để làm được điều này từ nay đến cuối tháng 3, các cơ quan chuẩn bị điều kiện để đón khách một cách thuận lợi, chắc chắn. Đồng thời ngành du lịch cần quán triệt phương châm, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19... để cánh cửa du lịch quốc tế mở nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phát triển.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng
Thực tế cho thấy trong quá trình thí điểm đón khách quốc tế mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng ngành du lịch đối mặt với một số bất cập. Cụ thể, chính sách nhập cảnh vẫn còn phức tạp khiến giảm sức thu hút; vẫn chưa đón khách du lịch bằng đường bộ và đường biển. Doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức du lịch ra nước ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn vì hộ chiếu vaccine của Việt chưa được công nhận ở nhiều nước.
Nên sớm mở cửa đón du khách?
Nói về việc nên hay không sớm mở cửa lại thị trường quốc tế, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, với kinh nghiệm phòng, chống dịch và phương châm sống chung với Covid-19, việc mở cửa đón khách phù hợp với tình hình quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất, từ 1/4/2022 chính thức mở cửa, hoàn toàn cho du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này Hà Nội mong muốn các địa phương ùng thống nhất nội dung đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho du khách qua đó để việc đi lại được thông suốt.
Riêng đối với du lịch quốc tế, đề nghị bỏ quy định cách ly với du khách đã tiêm đủ mũi cũng như là khỏi bệnh trong 6 tháng và đã test âm tính PCR. Du khách có thể thực hiện 5K, khai báo y tế đầy đủ.
“Theo dự thảo của Bộ VHTT&DL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm….”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ.
Đồng tình với đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân thông tin, Quảng Nam thống nhất cao với đề xuất mở cửa dịp 30/4/2022 của Bộ VHTT&DL. Nhưng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đón khách quốc tế đòi hỏi Bộ VHTT&DL sớm ban hành Hướng dẫn thay thế Hướng dẫn 4122; Mở lại đường bay quốc tế châu Âu và châu Mỹ và khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh.
Hiện nay, chúng ta đã mở chuyến bay quốc tế thường lệ với 10 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia... nên Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề vướng mắc là ngoài chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR, sau khi xuống khỏi máy bay, du khách còn phải thực hiện test nhanh tại sân bay gây tình trạng tắc nghẽn. Do đó, nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức test ở sân bay mà nên đưa về các địa điểm du lịch đã có cam kết để tránh tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho khách du lịch." Phó Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) Đinh Việt Sơn
Dưới góc độ chuyên gia, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng để thu hút khách du lịch Việt Nam cần miễn visa cho khách du lịch, quy định kết quả test PCR âm tính 72 giờ trước khi du khách lên máy bay… Doanh nghiệp du lịch là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện những quy định.
“Bộ Y tế cần ban hành sớm quy định rõ ràng về cách ly để khách du lịch nắm rõ và chuẩn bị, Bộ VH-TT&DL cần có chiến dịch xúc tiến du lịch mạnh mẽ, đặc biệt đến những điểm du lịch lớn qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện”-ông Vũ Thế Bình kiến nghị.
Tương tự Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) Trương Gia Bình nêu rõ, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế cũng không làm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong nước.
Đơn cử như việc thí điểm đón 9.000 khách du lịch 2 tháng qua, cũng cho thấy, việc mở cửa du lịch quốc tế cũng không ảnh hưởng đến hoạt động chống dịch Covid-19.
Nếu không mở cửa dón khách quốc tế ngành du lịch Việt Nam tự đánh mất cơ hội hồi phục “Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân vì tương lai của đất nước"-ông Trương Gia Bình khẳng định.