70 năm giải phóng Thủ đô

Không tái đàn ồ ạt dù lợn hơi tăng giá

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình giá lợn tăng cao từng ngày, nhiều người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đang có tâm lý nôn nóng tái đàn trở lại.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, việc tái đàn cần có kiểm soát, theo hướng an toàn sinh học, bởi nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao.
Người dân nôn nóng tái đàn
Sau hơn 8 tháng xuất hiện DTLCP, đến nay Hà Nội đã phải tiêu hủy 535.453 con lợn (chiếm 28,6% tổng đàn). Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 70.123 con. Do lượng lợn thiếu hụt bởi DTLCP đã đẩy giá lợn lên cao trong mấy ngày gần đây.
Hiện giá lợn hơi xuất chuồng trong dân đang dao động từ 58.000 – 62.000 đồng/kg. Trước tình hình này, nhiều người dân nôn nóng tái đàn mong muốn gỡ gạc lại đồng vốn đã mất trước đó.
 Một hộ chăn nuôi lợn tại huyện Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Nga
Anh Nguyễn Văn Mạnh ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai cho biết: “Gia đình tôi đã tiêu hủy đàn lợn mắc DTLCP các đây 2 tháng. Do lo sợ dịch quay trở lại nên chưa dám tái đàn. Nhưng hiện nay giá lợn đang tăng, nếu chăn nuôi thuận thì sẽ có lãi cao, vì thế tôi cũng đánh liều một phen mong gỡ lại chút vốn”.
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Hằng, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức vừa mới xuất bán lứa lợn hơn 30 con với giá 54.000 đồng/kg tuần trước, ngay sau đó gia đình bà đã nhanh chóng dọn dẹp lại chuồng trại để tái đàn. “Căn cứ vào tình hình hiện nay, giá lợn sẽ còn lên cao nữa nên tôi tranh thủ vào lứa mới để bán vào dịp sau Tết” – bà Hằng tâm sự.
Cũng chung tâm lý này nhưng ông Phùng Văn Sơn, xã Vật Lại, huyện Ba Vì lại lo ngại về rủi ro khi tăng đàn. Ông Sơn cho rằng, việc tái đàn hiện nay tiềm ẩn khá nhiều rủi do, bởi chi phí tái đàn cao. Hiện giá lợn giống biểu 12kg đang dao động từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/con, tăng 500.000 đồng/con so với 2 tuần trước. Bên cạnh đó, chăn nuôi trong thời DTLCP sẽ phải cộng thêm chi phí phòng dịch, do đó đội chi phí sản xuất lên cao, nếu không cân đối thì sẽ khó có lãi.
Nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để ổn định ngành chăn nuôi, Hà Nội đã thực hiện các biện pháp tăng tỷ trọng các vật nuôi khác nhằm đảm bảo bù đắp nguồn cung thực phẩm thịt lợn bị thiếu.
Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng chủ yếu vẫn là thịt lợn, để đáp ứng nhu cầu này, TP đang khuyến khích người chăn nuôi tái đàn lợn trở lại. Tuy nhiên, chỉ khuyến khích tái đàn ở những cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, những vùng chưa bị dịch và tái đàn có kiểm soát.
Không tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh DTLCP khi trong thời gian dịch bệnh, chưa được khống chế theo quy định. Khi tái đàn, người chăn nuôi phải thực hiện khai báo với chính quyền địa phương, sau đó chính quyền địa phương phải đến trực tiếp cơ sở kiểm tra, nếu đảm bảo yêu cầu thì mới cho phép tái đàn. Việc tái đàn nên thực hiện với tỷ lệ 10% ban đầu, sau một tháng thấy không có các biểu hiện của bệnh thì mới tái đàn với số lượng lớn.
Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Điều này cũng có nghĩa rằng, các địa phương phải đảm bảo an toàn sinh học, đồng thời phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học mới có thể được tái đàn.
Ông Đăng cũng khuyến cáo, hiện nay DTLCP vẫn chưa có vaccine và vẫn chưa được khống chế, do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất cao. Trên thực tế, Hà Nội có tới 180 xã, phường có DTLCP qua 30 ngày nhưng vẫn phát sinh trở lại.
Do đó, nếu tái đàn ồ ạt, không kiểm soát sẽ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, cùng với đó là không kiểm soát được cung cầu. Người chăn nuôi nên thận trọng tái đàn, bên cạnh đó cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đây được coi là vũ khí số 1 để bảo vệ đàn lợn trước DTLCP.

"Khoảng 4 tháng nay, DTLCP có chiều hướng tạm lắng, nhưng chúng ta vẫn phải xác định “sống chung” với dịch lâu dài, bởi chưa có vaccine phòng bệnh. Việc tái đàn lợn để bù đắp lượng thịt thiếu hụt là cần thiết. Tuy nhiên, việc tái đàn cần phải có kiểm soát và theo hướng an toàn sinh học." - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương