Không tạo thói quen ỷ lại

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 83,5% số phiếu tán thành, sáng 12/6, Quốc hội đã thống nhất thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Lần đầu tiên cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% số lượng DN của cả nước có được sự hỗ trợ được quy định cụ thể bằng Luật.

Tuy nhiên, tư tưởng của Luật là "hỗ trợ người đi hỗ trợ", nên nếu có những quan điểm vẫn hình dung đến những khoản tiền mặt hỗ trợ riêng cho từng cá nhân, từng DN thì chắc chắn không bao giờ có chuyện đó.
 Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với 83,50% số phiếu tán thành.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng DN, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tiêu chí xác định DNNVV được quy định tại Luật bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong 2 tiêu chí là có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng…

Nguyên tắc hỗ trợ cũng được quy định khá rõ, đó là tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Nhà nước hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện… Đơn cử là vốn - một trong những vấn đề cố hữu của bất kỳ DN nào, đặc biệt là DNNVV, việc hỗ trợ chỉ là giúp DN tiếp cận nguồn vốn. Nghĩa là sẽ tư vấn, hướng dẫn DNNVV hoàn chỉnh hồ sơ, tạo điều kiện để 2 phía đi lại gần nhau, chứ không áp đặt ngân hàng phải cho vay với mức lãi suất nhất định. Trong khi DN phải nỗ lực vươn lên. Hồ sơ vay vốn phải đạt chuẩn với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, DN mới có thêm nguồn lực tài chính phát triển sản xuất, kinh doanh. Những chính sách về hỗ trợ mặt bằng, thuế, thủ tục hành chính, thị trường… cũng dựa trên những yếu tố tuân thủ nguyên tắc trên. Chính vì thế, Luật Hỗ trợ DNNVV được coi là Luật khung ổn định lâu dài quy định khá chi tiết, cụ thể hỗ trợ DN trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với vai trò quan trọng không chỉ đối với DN, mà còn cho phát triển kinh tế, để Luật Hỗ trợ DNNVV triển khai trong thời gian tới cần tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể khi mà hệ thống các luật kinh tế đã có khá nhiều, như Luật Đầu tư, Luật DN, những quy định trong lĩnh vực KHCN đều liên quan DNNVV… Điều này đòi hỏi việc hỗ trợ DNNVV vừa đảm bảo tính đặc thù, đúng và trúng những gì mà cộng đồng DN mong muốn, vừa phù hợp hệ thống pháp luật, quy định quốc tế. Và quan trọng hơn cả là tạo động lực mới cho khởi nghiệp, tạo cơ hội để cộng đồng DN đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.