Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thay đổi mục tiêu kinh tế - xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội" của năm 2014, đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014 diễn ra trong hai ngày 30/6 và 1/7.

Duy trì đà tăng trưởng

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tiếp tục thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 đang trên đà phục hồi. Kinh tế vĩ mô giữ được ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp; cung - cầu hàng hóa được bảo đảm; lãi suất được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu… Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song, kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng, GDP quý II tăng cao hơn quý I và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,18%, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước.
Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Trần Việt
Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Trần Việt
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị thiệt hại, nhờ đó đến nay tất cả các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường.Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra từ đầu năm. Thủ tướng nhấn mạnh: "Không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội".
6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng đạt được tương đối thấp. Ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tăng tín dụng và đặc biệt là chất lượng tín dụng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến

Chủ động ứng phó với mọi tình huống

Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. "Việt Nam hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào" - Thủ tướng khẳng định.

Chia sẻ tại phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 1/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã tính đến trong trường hợp xấu nhất là Trung Quốc sẽ hạn chế đường biên giới, cao hơn là rút các tổng thầu ở một số dự án… "Sẽ có khó khăn, nhưng ngay cả khi xảy ra tình hình xấu nhất thì ảnh hưởng không phải quá lớn đến mức không thể giải quyết được" - Bộ trưởng tin tưởng. Trong phiên họp Chính phủ, lãnh đạo một số địa phương có đường biên giới với Trung Quốc phản ánh tại một vài cửa khẩu, Trung Quốc kiểm soát chặt hơn đường tiểu ngạch nhưng không đóng cửa, còn lại nhìn chung các cửa khẩu vẫn lưu thông bình thường. Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, đây là cơ hội để chúng ta tập trung hàng hóa vào cửa khẩu chính ngạch thay vì đi đường tiểu ngạch.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đã có dự án nào do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu bị chậm tiến độ do tình hình căng thẳng ở Biển Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, hiện không có dự án nào gặp khó khăn về tiến độ, chỉ có những dự án do trúng thầu thấp sau đó nhà thầu Trung Quốc xin bổ sung vốn dẫn đến bị trì hoãn.

 
Văn phòng Chính phủ cũng thông tin thêm: Thời gian qua, báo chí có đưa tin về các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) ở dự án Formosa (Hà Tĩnh) xin khu kinh tế đặc biệt, đặc thù, nhưng thực ra là họ xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển khu này theo dự án của họ. Tuy nhiên, pháp luật chúng ta không có quy định điều này nên Chính phủ không đồng ý. Chúng ta chỉ giải quyết những vấn đề theo quy định của pháp luật và hiện nay các bộ, ngành chức năng đang tập trung giải quyết theo đề nghị của họ căn cứ theo quy định của pháp luật.
“Cú hích” để thay đổi 

Khẳng định không phải đến khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam thì Chính phủ mới tính đến việc đa dạng hoá thị trường, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sự kiện Biển Đông mới chính là "cú hích" để chúng ta triển khai nhanh hơn, mạnh hơn các giải pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ. Bộ Công Thương đã tích cực đàm phán cùng lúc 8 hiệp định thương mại từ trước đó. Các cuộc xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường phi truyền thống như: Nga, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi đã và đang được triển khai bên cạnh thị trường truyền thống là Mỹ, EU, Nhật Bản... Ông Hải cho rằng, đây cũng là thời điểm rất tốt để đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.  Từ nay đến hết năm 2014, Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chi hỗ trợ 16.000 tỷ đồng vốn cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư… 

 
Trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành có liên quan họp bàn để chi hỗ trợ gói 16.000 tỷ đồng cho ngư dân. Quan điểm là tính toán xem đối tượng nào được tham gia, thủ tục thế nào để nhanh nhất, thuận lợi nhất cho ngư dân, thậm chí có những dịch vụ hỗ trợ cho ngư dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên