Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể bỏ qua vụ Từ điển chính tả sai chính tả

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành mắc hàng loạt lỗi chính tả đã được nhà phê bình từ điển Hoàng Tuấn Công phát hiện, phản biện, truyền thông vào cuộc phê phán gần nửa tháng nay.

Phía NXB đã thông tin đình chỉ phát hành, thu hồi cuốn sách, Cục Xuất bản In và Phát hành cũng xác định sẽ xử lý khi đánh giá vi phạm. Tuy nhiên đến nay, cuốn từ điển này vẫn được bày bán, công tác xử lý cũng chưa có câu trả lời cụ thể.
Chưa xử lý đến nơi đến chốn
Theo thông tin mới nhất từ ông Hoàng Tuấn Công, mặc dù ngày 12/6 NXB Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời báo chí là đã gửi công văn tới đối tác để yêu cầu thu hồi cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” và trước đó, ngày 10/6, là thông tin đình chỉ phát hành, nhưng hiện nay cuốn từ điển vẫn nghiễm nhiên nằm trên kệ sách phát hành của một số nhà sách.
Chưa kể, tìm kiếm online, độc giả cũng có thể dễ dàng đặt mua cuốn từ điển này. Theo ông Hoàng Tuấn Công, việc để một cuốn từ điển bị cho là sai chính tả nghiêm trọng, làm “choáng váng” giới ngôn ngữ và công chúng mấy ngày qua... vẫn còn tồn tại trên hệ thống phát hành là một hành động tắc trách của cơ quan quản lý.
  Ảnh minh họa.
Cụ thể “Từ điển chính tả Việt Nam" do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2017, gồm 718 trang đã mắc phải các lỗi sơ đẳng như, nhẫm lẫn giữ s với x, x với s, không phân biệt được d hay gi, tr hay ch, n hay ng, in hay inh, c hay q, iu hay ưu, r hay gi, r hay d, ưu hay iu. Nhà nghiên cứu, phê bình Hoàng Tuấn Công, phân tích một số ví dụ: Nhầm “bàn hoàn” (nghĩ quẩn quanh không dứt) với “bàng hoàng” (ngẩn người, choáng váng), “bánh dày” trong khi đúng chính tả phải là “bánh giầy/giày, bơi chải” (từ đúng là “bơi trải” - vì “trải” là một loại thuyền nhỏ hay dùng để đua bơi).
Một loạt từ sai khác: Con chai, canh chai, chầy chật, chéo ngoe, xuôi chiều mát mái, xung công, dằng xé, dày vò, dày xéo, voi dày ngựa xéo, trứng quốc. Ngoài ra, còn rất nhiều sai sót, nhầm lẫn nghiêm trọng khác trong cuốn từ điển này.
10 cuốn từ điển mắc lỗi nghiêm trọng
Trước phản ứng của dư luận, chủ biên PGS.TS Hà Quang Năng đã lên tiếng giải thích mục đích biên soạn cuốn từ điển nhằm “cung cấp các dạng chính tả chuẩn của từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng nêu những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong đời sống”.
Một chuyên gia ngôn ngữ bày tỏ không thể ngụy biện theo kiểu biến thể của chính tả mà từ điển, đặc biệt là từ điển chính tả thì phải được thực hiện nghiêm túc vì đây được coi là “khuôn vàng thước ngọc”. “Có những lỗi có thể thể tất, coi nó là biến thể. Nhưng có những biến thể không thể cho là đúng được vì nó là lỗi rất đáng tiếc, lỗi nghiêm trọng. Đã là dân ngôn ngữ thì không thể để những lỗi sai như thế được” - chuyên gia về ngôn ngữ nhận xét.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, ông Hoàng Tuấn Công đã phát hiện 2 cuốn từ điển với nhiều sai sót nghiêm trọng. Ví dụ như tháng 2 vừa qua cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của Dương Thị Dung, Đặng Thu Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên bị ông Công tố “đạo văn” các công trình nghiên cứu của ông, khiến cuốn sách này cũng bị thu hồi.
Tính từ 2014 ông Công phát hiện gần 10 cuốn từ điển khác mắc lỗi có hệ thống tương tự như 2 cuốn vừa qua. Song ngoài các văn bản thu hồi thì đến nay việc xử lý vi phạm vẫn còn bỏ ngỏ. Cụ thể như đến cả khi bị tiêu hủy, ông Công là người xác định bị “đạo văn” vẫn không nhận được thông tin xác nhận 2 trong 3 tác giả của cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” là ai.
Hay trách nhiệm của NXB sau những sai sót này cần xử lý đến đâu vẫn chưa được thông tin cụ thể. Chính vì vậy, cá nhân ông Hoàng Tuấn Công cũng như nhiều nhà nghiên cứu chân chính mong muốn cần có quy định chặt chẽ hơn trong Luật xuất bản để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ các công trình nghiên cứu ngôn ngữ chuẩn chỉnh.

Sáng 17/6, trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định hiện nay Cục chưa nhận được báo cáo của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Cục sẽ ngay lập tức yêu cầu giải trình và tiến hành các bước xử lý theo quy định nếu có sai sót. Vì cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” được xếp loại cuốn sách nghiên cứu khoa học nên phải thành lập hội đồng đánh giá thẩm định, trưng cầu ý kiến các cơ quan chuyên môn (nếu cần) trước khi đưa ra các kết luận.