Không thể chạy ảo theo bằng cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng ta phải tránh hiện tượng chạy ảo theo bằng cấp, cơ sở đào tạo nghề phải...

Kinhtedothi - "Chúng ta phải tránh hiện tượng chạy ảo theo bằng cấp, cơ sở đào tạo nghề phải gắn chặt hơn nữa với DN mới đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Tổng kết giai đoạn Chương trình hợp tác về xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng vừa diễn ra.

Ba giải pháp hữu hiệuKhông thể chạy ảo theo bằng cấp - Ảnh 1

Thưa ông, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định trong cuộc họp trước đó về vấn đề này, có rất nhiều việc cần giải quyết trong đào tạo nghề. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách về sử dụng và đãi ngộ lao động?

 - Tôi cho rằng, chúng ta có bộ giải pháp và công cụ tương đối toàn diện, nhưng bản chất của nó chưa thực sự thiết thực trong phân luồng người học. Suy cho cùng, việc phân luồng người học chỉ căn cứ vào nhu cầu thực tiễn trong sản xuất và thị trường lao động. Khi nhu cầu này hình thành, đáng lẽ các cơ quan Nhà nước phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện phân luồng đáp ứng cung và cầu. Đào tạo không đáp ứng đã tạo ra "ảo" ngày càng lớn.

Vậy, cần phải có giải pháp nào?

- Theo tôi, cần có 3 giải pháp hữu hiệu, căn bản mà các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, ngành, đặc biệt là cơ quan truyền thông phải vào cuộc. Thứ nhất, phải có hạn ngạch cho các trình độ khác nhau ở những nhu cầu của DN và thị trường lao động. Thứ hai, phải làm mạnh hơn trong đào tạo để người học nghề phải có những kỹ năng nghề. Việc này khuyến khích người lao động có kỹ năng nghề để tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh cao. Đương nhiên, sẽ giúp lao động Việt Nam và năng lực cạnh tranh của quốc gia có vị trí, vai trò cao hơn trong thị trường lao động sôi động, toàn cầu hiện nay. Thứ ba, nghiêm khắc phân luồng ngay từ trường phổ thông, để làm sao 80% học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề, 20% học đại học (ĐH), giống như các nước phát triển đang thực hiện.

Thực tế, các nhà máy có đến 95% tỷ lệ lao động trực tiếp (có kỹ năng nghề qua các trình độ đào tạo nghề) và chỉ 5% gián tiếp làm quản lý (trình độ ĐH). Rõ ràng, chúng ta phải căn cứ vào cầu thực tiễn để đào tạo cung đáp ứng và tránh được lãng phí. Điều này để nói cần phải đảo ngược bài toán đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.

Gắn kết tốt thì tuyển sinh được

Một yếu tố quan trọng để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và DN. Tuy nhiên, đa phần tại các địa phương, trường nghề vẫn đứng độc lập?

- Chúng tôi đánh giá thấp những trường không kết nối được với DN trong đào tạo. Các em học sinh cũng không muốn vào học những trường này. Suy cho cùng, khi học nghề, người ta cần 3 thứ, đó là kiến thức nghề; kỹ năng nghề; trang bị thái độ, trách nhiệm trong kỹ năng của mình. Mà để trang bị kỹ năng nghề thật cho người học, không cách nào khác trường nghề phải gắn kết với DN để rèn luyện trên cơ sở các kỹ năng cơ bản đã học ở nhà trường. Khi các em có được 3 thứ này, đương nhiên thị trường lao động nào cũng như các DN đều rất muốn tuyển dụng. Còn cơ sở dạy nghề không gắn kết được DN là bỏ phí các điều kiện, lợi thế của DN và không có cơ hội nâng cao được kỹ năng cho người học.

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, DN - nhà trường gắn kết theo 3 mô hình cơ bản: Đào tạo toàn phần dưới dạng kết hợp các cơ sở dạy nghề với DN; Liên kết với nhau đào tạo một phần kiến thức cơ bản trong các cơ sở dạy nghề, rèn luyện và nâng cao kỹ năng ở trong các DN; Đào tạo tại cơ sở dạy nghề và mời các DN đến tham gia.

Hiện có khoảng bao nhiêu phần trăm các cơ sở đào tạo nghề kết nối được với DN, thưa ông?

- Về mặt nguyên tắc, chúng ta khuyến khích, bắt buộc các cơ sở dạy nghề phải liên kết với DN. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào năng lực của các cơ sở dạy nghề. Vì thế, đến nay, theo đánh giá của chúng tôi có khoảng 70% cơ sở đào tạo đã gắn kết được với DN. Đào tạo nghề có nghĩa chúng ta cung cấp dịch vụ và nhân lực cho thị trường lao động. Vì thế việc phân hóa các cơ sở dạy nghề cũng là chuyện bình thường. Theo tôi, những trường đang tuyển sinh tốt thì gắn kết chặt chẽ với DN. Vì chỉ làm như vậy mới nâng cao được chất lượng và tỷ lệ người học có việc làm cao.

Xin cảm ơn ông!