Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể cứ vướng là đòi sửa luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Vấn đề lớn được nói đến nhiều là tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Luật sửa, thay đổi liên tục
Theo nhận định của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện đã có bước chuyển tích cực. Chính phủ rất quan tâm đến xây dựng thể chế; rà soát, phát hiện và chấn chỉnh các văn bản có vi phạm... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
 Ảnh minh họa.
Theo Nghị quyết 718 của Quốc hội, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Thống kê của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo) cho thấy, hiện còn 17 dự án chưa đưa vào chương trình xây dựng pháp luật (trong đó, so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm, 2 dự án quá hạn 3 năm, 9 dự án quá hạn 2 năm). Số văn bản quy định chi tiết luật vẫn còn nợ 12/152 văn bản, chiếm 7,9%; trong đó, có 3/12 văn bản quy định chi tiết của 2 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước; 9/12 văn bản quy định chi tiết của 9 luật có hiệu lực trong năm 2018.

Đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trên phương diện “người gác cửa” pháp luật cho Chính phủ, song các ý kiến tại phiên họp vẫn tỏ ra lo ngại về tính ổn định của hệ thống pháp luật, cũng như chất lượng không đồng đều của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga dẫn ra con số, chính Bộ Tư pháp năm 2017 qua kiểm tra văn bản đã phát hiện hơn 5.650 văn bản ban hành trái pháp luật, cả về thẩm quyền, nội dung và trình tự thủ tục. “Chúng ta nói đi nói lại về nhiều hạn chế trong lĩnh vực này rồi, nhưng chất lượng văn bản vẫn có vấn đề” - bà Nga nêu.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn về tính ổn định của hệ thống pháp luật hiện nay, khi các luật được sửa đổi, thay đổi liên tục. “Tâm lý phổ biến là cứ thấy vướng thì đòi sửa luật ngay, trong khi vướng mắc nhiều khi lại không nằm ở luật” – bà Nga nhận định và cho rằng sự thiếu ổn định này sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc về chính sách, tâm lý, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Tổ chức thực hiện chưa tốt

Cũng băn khoăn trước tình trạng sửa luật quá nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Hệ thống pháp luật của chúng ta khá đầy đủ, toàn diện. Cái chính là tổ chức thực hiện chưa tốt, nên có nội dung sửa có khi chỉ do thực hiện chứ không phải luật không hợp lý. Đề nghị chỉ nên sửa cái đã chín muồi, không chạy theo số lượng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tính nhạc trưởng trong xây dựng pháp luật cũng không rõ. Bộ ngành nào đề xuất Luật cũng theo hướng có lợi cho quản lý điều hành mà không tính đến lợi ích tổng thể.

Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho rằng, luật ban hành nhiều, nhưng việc triển khai thực hiện, hiệu lực hiệu quả thế nào trong cuộc sống là điều mà cử tri quan tâm. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy một trong những tồn tại là việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm. Trong báo cáo hàng năm thì điểm yếu này cũng còn nhắc mãi. “Thường vụ Quốc hội có nhiều Nghị quyết rất nghiêm, trong đó có yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nhưng lâu nay ta làm được chưa? Nhiều luật chuẩn bị chưa tốt, thậm chí như ý kiến phát biểu là “dồn” cho cơ quan thẩm tra thì xem xét trách nhiệm Bộ trưởng liên quan thế nào. Nếu siết chặt thì tình hình sẽ tốt hơn” – ông Học nêu quan điểm.