Không thể để "trạc tặc" liên tục lộng hành
Kinhtedothi - Những đống phế thải xây dựng cao ngất ngưởng mọc lên qua đêm trên các tuyến đường ven đô Hà Nội không còn là hình ảnh xa lạ. Trong bối cảnh Hà Nội cùng cả nước chuẩn bị sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, theo Nghị quyết 1286/NQ-UBTVQH15, vấn nạn này dường như càng nghiêm trọng hơn khi chính quyền địa phương rơi vào khoảng trống quản lý.
Thực trạng đáng báo động
Đường Tây Mỗ, đoạn gần nút giao với đường Hữu Hưng và đường Đại Mỗ, thuộc địa phận phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, thời gian gần đây bỗng xuất hiện một điểm tập kết vật liệu xây dựng trái phép, ngay bên đường. Những đống gạch, đá, cát… xếp ngổn ngang trên bãi cùng với nhiều xe thu gom rác thải sinh hoạt được để ở đây càng làm cho cảnh tượng thêm lộn xộn, mất vệ sinh.
Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề khiến người dân địa phương bức xúc mà ẩn đằng sau những đống vật liệu xây dựng kia là một bãi trạc thải khổng lồ, đang từng ngày từng giờ lấn dần khu đất nông nghiệp xung quanh để mở rộng diện tích cho bãi tập kết trái phép.
Bà Nguyễn Thị Tân – người dân sống gần bãi thải này cho biết, tình trạng đổ trộm thải để san lấp đất nông nghiệp ở đây đã diễn ra từ lâu, địa điểm xảy ra sự việc nằm ngay gần mặt đường Tây Mỗ nhưng không hiểu sao trong suốt thời gian qua không bị cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn. “Họ đổ trạc ầm ầm, tập kết cả máy móc, thiết bị san lấp trên đó mà chẳng thấy ai kiểm tra, xử phạt gì cả” – bà Nguyễn Thị Tân nói.

Bãi thải trái phép gần đường Tây Mỗ. Ảnh: Nguyễn Quý
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ Nguyễn Viết Hùng cho biết, đã nắm được thông tin về bãi thải này, quan điểm của UBND phường là sẽ xử lý triệt để. “Chỗ đó trước đây là bãi trung chuyển rác của phường. Việc đổ phế thải này, trước đây chúng tôi từng phát hiện và xử lý trường hợp một xe máy cuốc và một xe đổ trạc rồi. Thời gian gần đây, lại tiếp tục đổ phế thải. Chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết và triệt để trong thời gian tới” – ông Nguyễn Viết Hùng khẳng định.
Câu chuyện diễn ra tại phường Đại Mỗ cũng đang xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Tại huyện Đan Phượng, khu đất nông nghiệp nằm gần sông Pheo, chảy qua địa bàn xã Tân Lập cũng đang tồn tại nhiều bãi trạc thải trái phép, san lấp lên đất nông nghiệp.
Thậm chí, tại khu vực sát kênh thủy lợi T1-2, hai bãi thải lớn đang dần “nuốt chửng” hết diện tích một chiếc ao. Trên bãi thải đã xuất hiện một công trình nhà tạm lợp tôn và nhìn vào những dấu hiện hiện có tại đây có thể thấy hành vi đổ thải trái phép này sẽ không dừng lại. Hay như tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, hành vi đổ thải san lấp đất nông nghiệp diễn ra công khai ngay tại khu vực giáp chân đê.
Đi trên đường đê dẫn từ Đại lộ Thăng Long vào, có thể dễ dàng quan sát thấy nhiều bãi thải cỡ lớn nằm ngay bên trái đường. Trên các bãi thải, đã được sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng với rất nhiều các loại gạch, đá, cát, sỏi và đất đan xen nhau. Điều khó hiểu là hành vi đổ thải trái phép này diễn ra công khai, lại nằm sát đường đê An Thượng - Đông La, nơi hàng ngày có rất nhiều người và phương tiện qua lại nhưng các bãi thải vẫn liên tục phình to mỗi ngày như không hề có ai quan tâm, xử lý.
Đáng nói, tình trạng đổ trạc thải san lấp đất nông nghiệp trái phép này càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, theo kế hoạch giai đoạn 2023 - 2025. Các khu vực giáp ranh giữa các xã cũ, nơi trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng, nhanh chóng biến thành “điểm nóng” của nạn đổ trộm.
Lỗ hổng quản lý trong giai đoạn sáp nhập hành chính
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến vấn nạn đổ trộm rác thải xây dựng ở Hà Nội kéo dài chính là khoảng trống quản lý trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính. Khi các xã cũ giải thể hoặc hợp nhất, bộ máy quản lý mới chưa kịp ổn định, trong khi lực lượng chức năng tại địa bàn cũ không còn thẩm quyền giám sát. Điều này, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng, biến những khu đất trống, bờ đê hay đường liên thôn thành nơi xả rác bất hợp pháp.
Các chuyên gia phân tích rằng, giai đoạn chuyển giao luôn là thời điểm nhạy cảm. Nếu không có sự phân định trách nhiệm rõ ràng ngay từ đầu, các vấn đề như rác thải hay ô nhiễm sẽ dễ bị buông lỏng. Tại Hà Nội, việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là thay đổi ranh giới hành chính, mà còn đặt ra thách thức lớn trong quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn rộng hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng xử lý rác thải xây dựng tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các bãi tập kết tạm thời lại phân bố không đồng đều, khiến chi phí vận chuyển phế thải hợp pháp trở thành gánh nặng với nhiều đơn vị xây dựng.
Đứng trên góc nhìn pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi đổ trộm trạc thải, hay nói chính xác là đổ trộm chất thải rắn thông thường đã được quy định rất rõ trong các văn bản pháp quy hiện hành. Mức độ xử phạt đối với hành vi này cũng có thể ở mức rất nặng.
“Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi đổ trộm chất thải rắn thông thường có thể bị phạt tối đa tới 7 năm tù. Đây không phải là mức phạt nhẹ” – luật sư Bùi Đình Ứng nói. Theo chuyên gia pháp lý này, một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn “trạc tặc” vẫn liên tục lộng hành trong thời gian qua, chính là sự thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý của chính quyền và lực lượng chức năng địa phương. “Cả bãi trạc thải lớn được đổ trong thời gian dài thì không thể nói rằng họ không biết được” – luật sư Bùi Đình Ứng nói và cho rằng, để trấn áp được nạn “trạc tặc”, cần siết chặt hơn nữa trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương. Nếu địa phương nào xảy ra nạn đổ trộm trạc thải, người đứng đầu địa phương đó phải chịu xử lý trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, ngoài vấn đề trách nhiệm quản lý của các địa phương, để giải quyết triệt để vấn nạn “trạc tặc”, TP Hà Nội cần hành động quyết liệt với các biện pháp đồng bộ. Trước hết, trong giai đoạn sáp nhập hành chính, chính quyền cần nhanh chóng phân định trách nhiệm quản lý môi trường cho các đơn vị mới. Tránh để tình trạng “cha chung không ai khóc” kéo dài, các quận, huyện phải phối hợp chặt chẽ để giám sát địa bàn giáp ranh.
Việc lập các tổ tuần tra đêm, kết hợp sử dụng camera giám sát tại những khu vực nhạy cảm, cũng là giải pháp cần thiết để phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Về lâu dài, TP cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng xử lý rác thải. Việc bố trí các bãi tập kết tạm thời tại mỗi quận, huyện sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, đồng thời khuyến khích các đơn vị tuân thủ quy định. Các chuyên gia đề xuất, Hà Nội có thể học hỏi mô hình tái chế phế thải xây dựng của các nước phát triển, ví dụ nghiền nhỏ để làm vật liệu san lấp. Đây là cách vừa giảm tải cho bãi rác, vừa tạo thêm tài nguyên.
Trích dẫn
Theo các chuyên gia môi trường, để giải quyết triệt để vấn nạn “trạc tặc” cần nâng cao ý thức cộng đồng là yếu tố không thể thiếu. Chính quyền địa phương có thể đẩy mạnh tuyên truyền qua loa phát thanh, mạng xã hội, đồng thời yêu cầu các hộ gia đình, chủ thầu ký cam kết xử lý phế thải đúng quy định. Ứng dụng công nghệ, như trang bị GPS cho xe chở rác hay phát triển ứng dụng báo cáo vi phạm qua điện thoại, cũng là hướng đi khả thi để người dân và cơ quan chức năng phối hợp hiệu quả hơn.