Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể đứng ngoài cuộc

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn bao giờ hết, việc nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động đang là vấn đề vô cùng cấp thiết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" khai mạc cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nguồn lực phát triển Việt Nam không phải là rừng vàng, biển bạc mà chính là gần 100 triệu dân.
Nhìn lại, những năm qua, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Thực tế, chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc, tuy nhiên sự chuyển biến trong giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia đào tạo, hệ thống trường nghề hiện nay đông nhưng số đạt chuẩn quốc tế còn thấp nên mất dần thế cạnh tranh. Học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp còn yếu về năng lực, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Đến nay, lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chiếm hơn 22%.
Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví “như chiếc áo ngũ sắc, không ít miếng vá víu cho thấy tính đồng bộ của các trường chưa được quan tâm”. Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, cứ 4 người lao động thì có 3 người mất việc vì kỹ năng đã lạc hậu.
Vì thế, để quốc gia phát triển, cất cánh, cần có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đào tạo lao động có kỹ năng tay nghề. Điều này quyết định đến sự thịnh vượng của quốc gia, của DN và của chính từng người lao động, ai đứng ngoài sẽ dần bị đào thải. Và, hai nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra tại diễn đàn, đó là đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghề và xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua sự tham gia tích cực, chủ động của DN.
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, DN - nhà trường không thể mãi “bắt tay” trên giấy, mà hai bên phải chủ động tìm đến nhau, phối hợp chặt chẽ để giải phóng nguồn lực và cùng nhau phát triển.
Đối với DN, khi có lực lượng lao động tốt thì sẽ có chất lượng sản phẩm tốt, năng suất cao, lợi nhuận lớn. Vậy thì không lý do gì DN lơ là việc đào tạo lao động của mình và chỉ muốn chăm chăm hưởng thụ thành quả đào tạo của người khác.
Còn đối với người lao động, khi có tay nghề tốt, sẽ có việc làm tốt, thu nhập cao, công việc ổn định. Quan trọng hơn, có tay nghề sẽ có nhiều cơ hội thay đổi hoàn cảnh, nâng chất lượng cuộc sống và ít bị tác động bởi những rủi ro từ xã hội.
Nâng chất lượng lao động quyết định đến sự thịnh vượng của quốc gia, của DN và của chính từng người lao động nên ai đứng ngoài cuộc sẽ dần bị đào thải.