70 năm giải phóng Thủ đô

Không thể “khoán trắng” cho lực lượng chức năng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn yêu cầu lực lượng QLTT các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác phối hợp với doanh nghiệp (DN) trong công tác xây dựng các phương án chống hàng giả, tuy nhiên, nếu DN không tích cực "vào cuộc" thì việc ngăn chặn hàng giả gặp nhiều khó khăn.

Còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ

Số liệu của Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2014, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện bắt giữ hàng trăm vụ sản xuất, vận chuyển hàng giả với số lượng lớn. Hàng giả đang lưu hành trên thị trường một phần do các "lò" gia công tại Việt Nam chế tác lại, còn phần lớn được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ. Không chỉ có vậy, lợi dụng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã hình thành xu hướng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa.  Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh tiếng sản phẩm thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD).

 
Đội quản lý thị trường số 2 thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ảnh:  Việt Trần
Đội quản lý thị trường số 2 thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ảnh: Việt Trần
Mặc dù hàng giả ảnh hưởng đến quyền lợi NTD và chính bản thân DN, song điều đáng lo ngại là nhiều DN Việt Nam lại né tránh việc bảo vệ quyền lợi NTD cũng như chính DN. Bà Vũ Kim Hạnh -Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Mặc dù Tổng Công ty May Việt Tiến đã có nhiều biện pháp chống hàng giả, nhưng Việt Tiến lại hết sức dè dặt công bố những sản phẩm của DN bị làm giả bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Hiện, chỉ có 20% DN Việt Nam đề nghị thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi tỷ lệ này ở các DN nước ngoài đang hoạt động hoặc có sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Việt Nam là 80%. Bên cạnh đó, khi lực lượng QLTT phát hiện hàng hóa không rõ nguồn gốc, đề nghị DN xác nhận cụ thể thì không ít DN từ chối hợp tác.

Thực tế chống hàng giả trong thời gian qua cũng cho thấy, DN khi phát hiện hàng hóa của mình bị làm giả muốn khiếu nại phải chứng minh cụ thể mức thiệt hại từ việc bị làm giả này gây ra, đây không phải là điều dễ thực hiện. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến DN chưa chủ động công khai thông tin cũng như không mấy quan tâm tới việc phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ từng vụ việc. Thậm chí, không ít DN còn cho rằng, nếu công khai thông tin, cách nhận biết hàng giả - thật sẽ khiến đối tượng làm hàng giả tìm cách khắc phục, làm cho hàng giả ngày càng tinh vi hơn.

Đẩy mạnh phối hợp

Muốn chống được hàng giả, bên cạnh vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật thì chính bản thân DN cũng phải tích cực trong công tác phối hợp.

Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Việc DN tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT trong việc chống hàng giả rất quan trọng bởi chỉ có chủ nhân của những nhãn hiệu hàng hóa bị làm giả mới dễ dàng phát hiện và nhận diện nhanh chóng và chính xác hàng hóa của mình, qua đó giảm bớt khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Điều này không chỉ góp phần đem lại lợi ích cho DN mà còn khẳng định trách nhiệm của DN đối với NTD.

Thời gian qua, một số DN như Unilever, Ajinomoto, Honda… đã tích cực phối hợp với lực lượng QLTT đấu tranh chống hàng giả. Ở các địa phương, nhiều DN cũng đã tăng cường chia sẻ thông tin cho lực lượng QLTT để kịp thời xử lý các vụ vi phạm. Lực lượng QLTT phối hợp với DN cũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo hướng dẫn NTD cách phân biệt hàng thật, giả… Nhờ đó, sản phẩm của những công ty này hầu như không còn hàng giả, hàng nhái.

Để công tác phòng chống hàng giả đạt hiệu quả, nhiều DN cho rằng, trong thời gian tới Nhà nước nên thống nhất quy định cụ thể và sớm có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, để việc chống hàng giả thực sự hữu hiệu đòi hỏi các lực lượng chức năng chủ động phối hợp với DN, hiệp hội trong việc trao đổi thông tin kiểm soát chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, các DN sản xuất những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phù hợp với sức mua của người dân, nhất là thị trường nông thôn...