Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể tăng giá đơn giản “một lèo”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù, cũng như giá xăng, giá than và giá điện bị “kìm nén” khá lâu và những người ở cương vị điều hành đều muốn đi nhanh để theo kịp diễn biến giá thị trường, nhưng chúng ta không thể vì thế mà để thị trường bị “sốc” giá.

KTĐT - Mặc dù, cũng như giá xăng, giá than và giá điện bị “kìm nén” khá lâu và những người ở cương vị điều hành đều muốn đi nhanh để theo kịp diễn biến giá thị trường, nhưng chúng ta không thể vì thế mà để thị trường bị “sốc” giá.

Điều hành giá cả trong năm 2010 phải đối mặt với thách thức rất lớn là làm sao vừa phải đảm bảo cho một số loại giá như giá than, giá điện theo cơ chế thị trường, vừa phải làm sao đảm bảo cho lạm phát không được vượt quá 7% như chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Dư luận đang chờ xem rút cục giá than và giá điện nếu theo cơ chế thị trường thì sẽ tăng đến mức nào. Với kinh nghiệm từ việc điều hành  giá xăng theo cơ chế thị trường, theo ông, điều quan trọng nhất trong việc điều hành để giá điện và giá than cũng theo được cơ chế thị trường là gì?

Từ năm 2006 chúng ta đã có chủ trương điều hành giá xăng thực hiện theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng điều hành trong bối cảnh rất đặc biệt, mặc dù xăng cũng đi theo thị trường nhưng nước ta năm 2008 lạm phát rất cao. Trên thế giới thì thời điểm đó có những lúc giá xăng dầu thị trường thế giới lên đến 147 USD/thùng.

Chúng ta có bước điều chỉnh giá một cách hợp lý để giá lên mức tương đối cao, song vẫn chưa hoàn toàn đi theo thị trường được vì phải thực hiện mục tiêu kìm chế và bình ổn giá lên hàng đầu.

Bước sang năm 2009, giá xăng dầu thế giới có sự dịu đi và giảm xuống nhưng và chưa giảm ngay được, để giá xăng tiến được theo cơ chế thị trường thì Nhà nước điều hành giá thông qua các chính sách thuế chứ không tăng giá đến mức gây sốc được. Nhà nước đã lùi rất nhiều và ngân sách phải bù lỗ rất lớn. Cứ dần dần từng bước như vậy thì giá xăng đã tiến được theo giá thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước về thuế với biểu thuế, biểu chi phí được công bố, công khai minh bạch.

Chính vì thế, đối với giá điện và giá than, khi điều hành theo cơ chế thị trường, muốn tăng thì cần phải có tính toán cụ thể căn cứ trên các nghiên cứu tương đối đánh giá tác động một cách toàn diện đến từng ngành sản xuất nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Không thể tăng giá đơn giản “một lèo”.

Mặc dù, cũng như giá xăng, giá than và giá điện bị “kìm nén” khá lâu và những người ở cương vị điều hành đều muốn đi nhanh để theo kịp diễn biến giá thị trường, nhưng chúng ta không thể vì thế mà để thị trường bị “sốc” giá.

Giá điện và giá than tăng sẽ kéo theo một loạt các loại giá khác, nhưng có lẽ đã đến thời điểm mà hai loại giá này không thể không tăng. Quan điểm của Bộ Tài chính thế nào, thưa ông?

Chúng ta phải thực hiện chính sách thị trường hoá, nhưng nếu tăng ngay một lần các loại giá như điện, giá than theo cơ chế thị trường thì nguy hiểm lắm. Như tôi đã phân tích ở trên, trước đây, khi điều hành giá xăng theo cơ chế thị trường, dù muốn đi rất nhanh nhưng chúng tôi có dám đưa lên cao ngay đâu và đã có lúc phải chấp nhận ngân sách Nhà nước vẫn phải bù ra rất lớn. Việc điều hành phải rất kiên trì và còn phải phụ thuộc vào bối cảnh, diễn biến thị trường chứ không thể chỉ theo mong muốn chủ quan được.

Điện và than là “đầu vào” của nhiều ngành sản xuất, tăng giá hai mặt hàng này cũng đồng nghĩa một loạt mặt hàng khác cũng sẽ tăng giá theo. Trong bối cảnh như vậy, ông có cảm thấy lo ngại giá cả leo thang?

Giá xăng đã được điều chính theo cơ chế thị trường mà không gây sự bất ổn nào lớn về giá cả trên thị trường. Tôi nghĩ, giá than và giá điện cũng sẽ tương tự như vậy.

Tất nhiên, đề đạt được mục tiêu kiềm chế chỉ tiêu CPI ở mức dưới 7% như Quốc hội đã thông qua thì trong quản lý điều hành giá cần sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực rà soát, kiểm tra chặt hơn danh mục hàng hoá phải đăng ký giá để không có mặt hàng nào tăng giá quá cao.

Một điều rất quan trọng để giá cả được ổn định còn là tuyệt đối không được để mất cân đối cung cầu hàng hoá.

Thủ tướng Chính phủ cũng luôn có những chỉ đạo sát sao về vấn đề này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ và các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đầy đủ hàng hoá phục vụ nhân dân, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả theo cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá và biến động lớn về giá cả; phải tăng cường công tác quản lý giá, đấu tranh chống mọi hiện tượng đầu cơ nâng giá...

Về phía Bộ Tài chính thì chúng tôi có hướng quản lý giá  phải được kiểm soát ngay từ đầu vào, quá trình hình thành giá bán thế nào và mức giá mà doanh nghiệp đăng ký có phù hợp không và người dân sẽ kiểm soát được mức giá này. Nhưng để làm được việc này, tôi nghĩ, Bộ rất cần nhận được sự tích cực giúp sức của chính quyền các địa phương.