Không thể thiếu quảng bá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình "Đêm hoàng cung" có chất lượng nghệ thuật tốt, được đầu tư về âm thanh, ánh sáng, nhưng để thực hiện ý tưởng đưa tuồng đến với khách du lịch không hề dễ.

Bởi vậy, sáng 26/2, Tổng cục Du lịch và Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mở cuộc bàn tròn tìm đường để khách du lịch đến với tuồng - loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Không chỉ là tuồng

Nghệ thuật tuồng gắn liền với không gian cung đình, cho nên những nếp sinh hoạt cung đình thời phong kiến đã được Nhà hát Tuồng Việt Nam lựa chọn để đưa vào "Đêm hoàng cung" trong các vai diễn như vua, quan, hoàng hậu... Vở diễn dài khoảng 50 phút gồm 2 phần, phần một giới thiệu các nét cơ bản, trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật tuồng như "Hồ Nguyệt cô hóa cáo", "Ông già cõng vợ đi xem hội"; phần hai gửi đến người xem một số nét văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian Việt Nam trong màn múa hát hầu thánh. Chương trình "Đêm hoàng cung" đã để lại cho người xem, kể cả người trẻ tuổi, những cảm nhận thú vị và có suy nghĩ khác về bộ môn nghệ thuật truyền thống này; để rồi từ đó mong muốn tìm hiểu nét đặc sắc của nó. 
Một cảnh trong chương trình “Đêm hoàng cung”.
Một cảnh trong chương trình “Đêm hoàng cung”.
Nhiều người bất ngờ khi bước vào sảnh của rạp Hồng Hà - nơi "Đêm hoàng cung" được giới thiệu. Một không gian rộng ở khu sảnh trở thành nơi trưng bày tư liệu về nghệ thuật tuồng, các vai diễn, trang phục của các vở diễn, dụng cụ hóa trang, phục trang, đạo cụ… Kể cả quá trình hình thành nghệ thuật tuồng và những thứ liên quan như thêu trên vải để may trang phục, vẽ mặt nạ, sơn đạo cụ tuồng… Đây là không gian đặc biệt, không chỉ giúp du khách khám phá các nét đặc trưng của tuồng, mà du khách còn có thể trải nghiệm thực tế một số công việc của người nghệ sĩ tuồng. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, chia sẻ: "Thông qua chương trình tương tác ở bên ngoài cũng như trong các vở diễn, du khách trong và ngoài nước sẽ hiểu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật này. Từ hiểu tuồng, khách sẽ yêu, khám phá, thì chúng tôi mới có điều kiện quảng bá giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Việt Nam với thế giới".

Với lịch biểu diễn 3 tối/tuần vào thứ Hai, thứ Năm, Chủ nhật (từ 18 - 19 giờ), Nhà hát Tuồng Việt Nam hy vọng sẽ kết nối được các doanh nghiệp du lịch để phục vụ bất cứ giờ nào, ngày nào, góp phần mang lại lợi ích cho nhà hát, doanh thu cho doanh nghiệp du lịch, đồng thời thực hiện chủ trương của Bộ VHTT&DL là đưa văn hóa gắn kết với du lịch.

Quan trọng là quảng bá, duy trì

"Thử" thị hiếu khán giả trong 3 buổi diễn, "Đêm hoàng cung" được người xem đánh giá là có chất lượng tốt, khắc phục được rào cản ngôn ngữ với khách quốc tế bằng việc chạy phụ đề tiếng Anh trên màn hình đặt ở sân khấu. Quan trọng là trong sản phẩm này, Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu các tiết mục gần gũi, dễ hiểu để du khách có điều kiện tiếp nhận thông tin và nghệ thuật tuồng. Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch tỏ ra phấn khởi bởi tới đây trong chương trình citytour của họ có thêm một điểm đến dành cho du khách vào buổi tối, thay vì liên tục "ăn cơm tối, xem rối nước". Bà Nguyễn Thị Thu Minh - Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Mekong chia sẻ: "Đây là sản phẩm tuyệt vời để tăng cường gắn kết giữa du lịch và văn hóa. Sau buổi tọa đàm này, chúng tôi sẽ ký kết với nhà hát để đưa khách đến. Các đơn vị du lịch chúng tôi sẽ phối hợp với nhau để có thể bao rạp trọn gói. Không gì thú vị bằng việc khách được tìm hiểu các hiện vật liên quan đến nghệ thuật tuồng, xem biểu diễn tuồng và sau đó sang mua sắm ở Trung tâm thương mại Hàng Da". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, như thế vẫn chưa đủ; hay nói đúng hơn "Đêm hoàng cung" vẫn còn thiếu một cái gì đó để du khách thật sự say mê. Ấy chính là sự hòa mình của diễn viên với khán giả tạo không khí sôi động trong khán phòng. Trong "Đêm hoàng cung" có những tiết mục hơi trầm (Múa hát hầu thánh), trong khi khách du lịch phương Tây và khách miền Nam lại có xu hướng xem những tiết mục hoạt náo. Nhà hát Tuồng nên có các dịch vụ làm phong phú thêm như giao lưu với nghệ sĩ, cho khách thuê trang phục để mặc chụp hình, vẽ mặt nạ, đeo mặt nạ chụp hình, bắn mặt nạ, có quà tặng khách mang biểu trưng của nghệ thuật tuồng hay bán băng đĩa giới thiệu về lịch sử của môn nghệ thuật này. Hơn thế, công tác quảng bá cần được làm liên tục, bền bỉ bởi đặc thù của sản phẩm du lịch là không thể "sờ" được, nên với khách quốc tế có thể từ 6 - 9 tháng mới bán được tour. Do vậy, Nhà hát Tuồng cũng nên tham gia vào các chương trình giới thiệu du lịch (famtrip) do Tổng cục Du lịch tổ chức để giới thiệu sản phẩm gắn kết với du lịch.