Không thể thiếu vai trò của người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công khai, nâng cao tính minh bạch của ngân sách (NS) Nhà nước là vấn đề đã được quy định trong Luật NS Nhà nước và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, tại Hội thảo "Vai trò của cộng đồng trong quy trình quản lý NS" tổ chức sáng 12/11, nhiều nghiên cứu của các tổ chức chỉ ra, việc thực hiện công khai, minh bạch NS Nhà nước và các nguồn lực tài chính công theo quy chế hiện hành chưa tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động quản lý NS Nhà nước.
 
Công nhân ngành điện kiểm tra kỹ thuật tại trạm biến áp 110kV huyện Khoái Châu, Hưng Yên.     Ảnh: Ngọc Hà
Công nhân ngành điện kiểm tra kỹ thuật tại trạm biến áp 110kV huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Ngọc Hà

Công khai nhưng chưa minh bạch

Theo bảng đánh giá xếp hạng công khai NS do Cơ quan hợp tác về NS quốc tế (IBP) thực hiện, chỉ số công khai NS (OBI) năm 2012 của Việt Nam chỉ được 19/100 điểm.

Cứ hai năm một lần kể từ năm 2006, OBI của hơn 100 nước được đánh giá và công bố. Tuy nhiên, đến nay, tính công khai minh bạch về NS của Việt Nam vẫn nằm trong 36 quốc gia thuộc loại thấp nhất trên thế giới, thậm chí đứng sau nhiều nước trong khu vực như: Indonesia được 62 điểm, Philippines được 50 điểm, Malaysia được 39 điểm, Thái Lan và Đông Timo được 36 điểm.

Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý hiện hành của Việt Nam đều quy định về minh bạch NS. Điều 69 của Hiến pháp 1992 công nhận quyền được thông tin của công dân. Luật NS Nhà nước cũng quy định dự toán, quyết toán, kết quả kiểm toán NS Nhà nước các cấp, đơn vị... đều phải công bố công khai. Tuy nhiên, theo các tiêu chí đánh giá thì Việt Nam bị mất điểm chủ yếu do sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng NS chưa cao.

 
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Xuân Mai, Hà Nội. Ảnh: Xuân Giang
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Xuân Mai, Hà Nội. Ảnh: Xuân Giang
Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam chỉ ra, về bản chất NS là của người dân, do nhân dân đóng góp, Quốc hội (bao gồm các đại biểu đại diện cho cử tri nhân dân) quyết định dự toán NS, tỷ lệ phân chia, phân bổ NS T.Ư, phê chuẩn quyết toán... Nhưng thực tế hiện nay, Quốc hội ra nghị quyết về thu - chi chỉ là định hướng. Chưa kể thông lệ ở Việt Nam là tài liệu về dự toán NS nhà nước và phương án phân bổ NS T.Ư gửi đại biểu Quốc hội ít nhất 10 ngày trước mỗi kỳ họp, đây là thời gian quá ngắn để các đại biểu có thể nghiên cứu, đủ thời gian để Quốc hội xem xét, lấy ý kiến các bên và điều trần. Ngay cả bản dự thảo NS cung cấp thông tin cũng chưa đầy đủ và căn cứ lập dự toán chưa vững chắc để các đại biểu hiểu và đánh giá. 

Đầu tư công cho người dân: Vẫn chỉ được thực hiện từ trên xuống dướiBà Ngô Thị Minh Hương - Giám đốc Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), người từng nhiều năm nghiên cứu về NS chia sẻ, quy trình NS mở là phải công khai và người dân phải được tham gia. Hiện nay các khoản thu NS như thế nào, vì sao hụt thu, chi ra sao, vay thế nào... vẫn chưa được chi tiết. Mặc dù cơ chế phân bổ NS hiện nay được quy định công khai, có tiêu chí rõ ràng, nhưng cách thức phân bổ không gắn với yêu cầu về kết quả cần đạt được mà vẫn theo tiêu chí đầu vào là chủ yếu, chưa dựa vào yêu cầu của từng ngành, địa phương và nhu cầu của người dân, chưa gắn bó với yêu cầu chi và chất lượng công việc đòi hỏi. Như vậy mới chỉ là công khai việc đã rồi.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, kỷ luật NS rất lỏng lẻo và chậm được nâng cao thể hiện rõ rệt qua mức bội chi NS rất cao và khoảng chênh lệch giữa thực chi và dự toán rất cao. Đầu tư công liên tục tăng với tốc độ trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2000 - 2012 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho đầu tư xã hội và dịch vụ công. Tình trạng chi lãng phí, lạm dụng NS mặc dù đã được cải thiện nhưng còn chậm so với yêu cầu thực tế (như chi đầu tư, chi cho các dự án...) và thiếu sự ràng buộc về hiệu quả đạt được. Trong khi đó, đầu tư của khối doanh nghiệp Nhà nước chưa công khai và rõ ràng để có cơ sở đánh giá cụ thể. Đó là chưa kể tình trạng thất thoát, NS lại còn phải bỏ thêm tiền ra cứu vớt… 

Minh bạch thể hiện quyền của người dân và cũng là điều kiện cần có để bộ máy Nhà nước tiếp thu trí tuệ của người dân trong thực hiện nhiệm vụ. Một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng được các chuyên gia tài chính khuyến nghị là cần nghiên cứu sửa đổi Luật NS Nhà nước, hình thành các khuôn khổ pháp lý có tính ràng buộc để các cơ quan, đơn vị có cơ sở cung cấp các thông tin cần thiết cho cộng đồng về kết quả sử dụng nguồn lực được giao. Việc làm này cũng nhằm hình thành các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện và cơ hội để người dân tham gia vào quy trình giám sát thu chi NS, từ đó nâng cao xếp hạng tín nhiệm, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế.

 
"Các nước kiểm soát rất chặt chẽ đến từng khoản mục, gắn liền với hiệu quả phải đem lại khi chi tiền NS. Thu NS không đạt dự toán, chi NS không ngừng tăng, điều này cho thấy vấn đề siết chặt kỷ cương là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta. Đã đến lúc phải cụ thể hóa trách nhiệm. Việc không minh bạch trong sử dụng các nguồn vốn là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tham nhũng" - TS Lê Đăng Doanh