Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể “xóa sổ” muối Sa Huỳnh

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề muối là nghề truyền thống của địa phương, hạt muối Sa Huỳnh gắn với nhiều yếu tố về lịch sử, văn hóa, do đó không thể “xóa sổ”.

Làng muối Sa Huỳnh nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, cách thị trung tâm TP Quảng Ngãi chừng 60km. Muối Sa Huỳnh được xếp vào loại quy mô và nổi tiếng bậc nhất ở dải đất miền Trung. Thế nhưng nhiều năm qua, hạt muối ở vùng đất này vẫn long đong, không có đầu ra ổn định.
Năm 2020, giá muối tiếp tục tụt dốc thê thảm khiến bà con diêm dân "quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ở vựa muối Sa Huỳnh nặng trĩu âu lo.
Diêm dân thu hoạch muối.
"Làm muối rất vất vả, tuy nhiên với giá bán 600 đồng/kg như hiện nay thì quá bèo bọt. Nhiều người đã phải bỏ nghề hoặc tạm ngưng làm muối", bà Nguyễn Thị Lệ thở dài.
Ông Giã Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho hay, phường hiện có hơn 300 hộ dân đang sống nhờ nghề làm muối với sản lượng hằng năm dao động từ 8 - 9 nghìn tấn. 2 năm nay, giá muối giảm mạnh khiến diêm dân lao đao, không ít hộ đã chuyển sang làm nghề khác.
Theo ông Tàu, những năm trước, giá muối có thời điểm chạm ngưỡng 1.000 đồng/kg. Nhờ vậy, diêm dân rất phấn khởi và yên tâm bám trụ với nghề. Đặc biệt, năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư nhà máy tiêu thụ muối nằm bên rìa cánh đồng muối Sa Huỳnh nên bà con rất kỳ vọng không phải lo đầu ra.
“Tuy nhiên, cách đây 10 năm, nhà máy này đóng cửa do hoạt động không hiệu quả. Từ đó đến nay, diêm dân vẫn tự bán muối cho tư thương. UBND phường đã đề nghị các cấp tìm hướng giải quyết đầu ra cho diêm dân, đồng thời tìm kiếm các công ty thu mua muối nhưng hiện vẫn không có đơn vị nào đứng ra làm đầu mối tiêu thụ", ông Tàu nói.
 Nhà máy muối Sa Huỳnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ thẳng thắn: “Nghề muối là nghề truyền thống của địa phương, hạt muối Sa Huỳnh gắn với nhiều yếu tố về lịch sử, văn hóa, do đó dù thế nào cũng không thể xóa sổ.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, có đến gần 50% diện tích làm muối bị bỏ không, số người làm nghề cũng còn rất ít, chủ yếu là người lớn tuổi, do đó cần phải có sự thay đổi cho phù hợp, không thể để lãng phí quỹ đất, trong khi đó nông dân lại không có thu nhập”.
 Làm muối là nghề truyền thống của địa phương.
Theo ông Vương, ngành chuyên môn đã tính đến việc quy hoạch lại vùng muối, vùng nào tiếp tục làm muối, vùng nào dùng làm việc khác.
"Vùng nào không có hạ tầng đồng bộ, xa đường, chất đất không còn hiệu quả thì sẽ nghỉ làm muối. Sẽ quy hoạch vùng muối còn khoảng 40 - 50ha, sau đó đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để phục vụ việc làm muối như đường sá, sân phơi...”, ông Vương nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, khi quy hoạch lại vùng muối cũng tính đến phương án ngoài việc sản xuất muối phục vụ tiêu dùng, công nghiệp thì còn kết hợp du lịch trải nghiệm. Trong định hướng sẽ kết nối đồng muối với làng Gò Cỏ, từ đó duy trì và phát huy truyền thống văn hóa Sa Huỳnh.
“Hiện đang xin chủ trương về việc này, chắc chắn phải làm cho đồng muối phát triển hơn”, ông Vương khẳng định.