Loạn tin giảNgày 14/9, Công an quận Đống Đa cho biết đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Công an TP Hà Nội ra quyết định xử phạt một chủ tài khoản facebook đăng thông tin xuyên tạc, sai sự thật về công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, đêm 12/8, trên mạng xã hội xuất hiện một tài khoản “J.H.N” đăng tải bài viết: “Tin vui! Hà Nội sẽ mở cửa lại quán ăn, tiệm cắt tóc... trong tuần tới”.Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Đống Đa xác minh, chủ tài khoản này là N.H.T (SN 1993, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) và là chủ một cửa hàng trên địa bàn quận Đống Đa. Căn cứ tài liệu hồ sơ, Công an quận Đống Đa đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chị N.H.T về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc và vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, đề xuất Công an TP Hà Nội ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với chị N.H.T.
Trước đó, ngày 10/9, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, thông tin về cuộc họp chiều 9/9 liên quan đến công tác phòng chống dịch đang lan truyền trên mạng xã hội là tin giả. Theo Sở TT&TT Hà Nội, trên một số hội, nhóm riêng tư thuộc nền tảng mạng xã hội Facebook và Zalo lan truyền thông tin được cho là nội dung cuộc họp chiều 9/9, trong đó đưa các nội dung như: Bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 kể từ ngày 15/9; Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ; Chuẩn hóa thông tin tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trên Sổ sức khỏe điện tử biến thành giấy thông hành vaccine; Bỏ tất cả các giấy phép con như giấy đi đường, di biến động dân cư, xét nghiệm âm tính; Chuyển dần sang điều trị Covid-19 dịch vụ có thu phí; Lực lượng nhân viên bán lẻ được ưu tiên tiêm vaccine...Theo Sở TT&TT, đây là thông tin giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Hiện lực lượng chức năng đang vào cuộc rà quét các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.Sở TT&TT Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.Tại TP Hồ Chí Minh, hàng trăm tin giả trên địa bàn được tung ra gần đây, từ chuyện mạo danh cán bộ y tế nói tình hình dịch bệnh của thành phố bi thảm không khác gì Ấn Độ. Hay tin TP Hồ Chí Minh sẽ bắt tất cả những ai ra đường vào đêm khuya từ lúc 22 - 5 giờ mà không cần lý do…Thậm chí Bộ Y tế cũng bị mạo danh khi trên mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, nhận định rằng, Covid-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã phát hiện ra điều đó. Tin nhắn mạo danh trên còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...Cần phạt nặngTrao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, tin giả, tin đồn thất thiệt về công tác phòng, chống Covid-19 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội là thực trạng đáng báo động, bởi nó gây ra hoang mang, lo lắng cho người dân về công tác điều hành, chống dịch của Chính phủ và các địa phương. Tin giả, tin đồn thất thiệt cũng không khác gì một loại dịch bệnh nguy hiểm.Để từng bước loại bỏ, ngăn chặn các tin giả về phòng chống dịch, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước và từ phía người dân. Đối với các cơ quan Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần phải công khai, minh bạch, sớm có những phản ứng nhanh chóng để phản bác các tin giả. Đồng thời, có các biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin giả về phòng, chống Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật để phòng ngừa và răn đe chung. “Đối với người dân, cần nâng cao hiểu biết, kiểm tra kỹ các thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Chỉ chia sẻ những tin xác thực đã được kiểm chứng từ các cơ quan Nhà nước. Khi chia sẻ các thông tin về công tác phòng, chống Covid-19 phải hết sức thận trọng, trách nhiệm, không chia sẻ các tin giật gân, câu khách, chưa được kiểm chứng” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nêu quan điểm.
Công văn số 45/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về xét xử tội phạm liên quan phòng, chống dịch Covid-19 quy định: Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự. |