Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/10, sau khi nghe trình bày các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại các tổ đại biểu về những vấn đề này.

Khả thi, bảo đảm hiệu lực hiệu quả
Tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhắc lại một số ý kiến còn băn khoăn rằng lần thí điểm này có gì khác lần thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 và có cần thiết phải thí điểm lại không?

 Các đại biểu thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội
Về vấn đề này, Đại biểu phân tích việc thí điểm năm 2008 để tổng kết sửa đổi Hiến pháp, còn lần này để triển khai thi hành Hiến pháp mới 2013. So sánh về phạm vi, năm 2008, thí điểm trên 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố. Còn lần thí điểm này, Hà Nội thực hiện trên 177 phường trong giai đoạn 2021-2016.
Về tổ chức bộ máy hành chính cấp phường, năm 2008, chủ tịch UBND quận trực tiếp bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức với chủ tịch, phó Chủ tịch UBND, nhưng lần thí điểm này, UBND phường là cơ quan hành chính đại diện của UBND quận, huyện hoạt động theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND trong quản lý, điều hành hành chính. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên môn ở UBND cấp phường hợp lý hơn.
 
Về chức năng nhiệm vụ bộ máy hành chính cấp phường theo thí điểm lần này, UBND phường không phải là một cấp chính quyền, chỉ thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND quận phân cấp, ủy quyền, và thực hiện một số nhiệm vụ theo thẩm quyền, bảo đảm công tác quản lý nhà nước trên địa bàn dân cư.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng bộ máy chính quyền, nhất là chính quyền đô thị cấp phường càng cồng kềnh càng trì trệ, kém hiệu quả. Do vậy, nếu tinh giản, thu gọn lại được sẽ làm tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy.
Đại biểu nói: “Rất cần thiết ngay tại kỳ họp này Quốc hội thông qua được Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội. Việc thí điểm lần này có đầy đủ cơ sở, lý luận, pháp lý, có tính khả thi, bảo đảm hiệu lực hiệu quả, có nhiều điểm mới so với lần thí điểm 2008”.
  Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà thảo luận
Đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm 2019 không chỉ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị mà còn tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn TP.
Thêm vào đó, việc thí điểm trong giai đoạn cụ thể sẽ tạo điều kiện để các địa phương tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề xuất, khi áp dụng Nghị quyết, cần quy định rõ 7 nhóm nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND cấp phường.
 
Về tên gọi UBND phường không tổ chức HĐND, theo đại biểu nên giữ nguyên để tránh sự xáo trộn khi cả 177 phường tại Hà Nội đồng loạt triển khai thí điểm.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị không nên đổi tên gọi của UBND phường, cứ giữ nguyên như hiện nay, bởi tên gọi UBND phường đã rất quen thuộc với người dân. 
Quyền và tiếng nói của cử tri, nhân dân vẫn được đảm bảo
Tại Tổ Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Đồng tình với việc thí điểm không tổ chức HĐND phường, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, điều quan trọng nhất là quyền và tiếng nói của cử tri, nhân dân vẫn phải được đảm bảo.
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh quan điểm, khi bỏ HĐND cấp phường thì cơ cấu HĐND quận làm sao phải bao quát, đại diện cho tất cả các phường. Phải tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức các đường dây nóng để người dân ở các phường được tiếp cận, tiếp xúc với ĐB HĐND quận, do chính người dân bầu ra. Quan trọng nhất, các đại biểu phải giải quyết nguyện vọng của cử tri một cách kịp thời.
 
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu vấn đề nhiều người băn khoăn, có ý kiến cho rằng, nếu không tổ chức HĐND cấp phường thì ai đại diện quyền làm chủ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân?
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, không có chuyện không có người đại diện cho dân, vấn đề chỉ là ai đại diện, điều này sẽ do luật quy định.
 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận
Đại biểu nêu ví dụ, nếu không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường thì HĐND TP sẽ là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của dân. Hoặc nếu không có HĐND cấp phường thì có thể quy định HĐND cấp quận đại diện cho nhân dân.
 
Đồng thời với việc không tổ chức HĐND cấp phường thì phải tổ chức lại bộ máy, phân định lại nhiệm vụ chức năng cho rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp, đem lại lợi ích thiết thực cho dân.
“Đây chính tinh gọn bộ máy, giảm biên chế bền vững, hiệu quả, chứ không phải giảm biên chế một cách ý chí, thấy đông quá thì giảm như hiện nay”.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh được thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường như Hà Nội để Trung ương có thể xem xét triển khai trong thời gian tới.