Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng:

Không tổ chức HĐND phường giúp tăng tính nhanh nhạy trong cung ứng dịch vụ công

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Việc không tổ chức HĐND phường phù hợp đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị và các địa phương đang đô thị hóa, tạo thuận lợi nâng cao tính nhanh nhạy trong quản lý Nhà nước, cung ứng DVC trên địa bàn đô thị..." - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng khẳng định.

Sáng nay, 1/7, tại Hội nghị triển khai Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng đã phát biểu về những kết quả bước đầu trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng phát biểu tham luận tại hội nghị
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng phát biểu tham luận tại hội nghị

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NQ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, TP Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, theo đó không tổ chức HĐND phường, chính quyền địa phương ở phường là UBND phường, UBND phường là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã. Qua 1 năm triển khai, theo báo cáo của Ban Thường vụ cấp ủy, Thường trực HĐND, UBND các quận, thị xã và kết quả khảo sát của các cơ quan chuyên môn TP, việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình này tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Trong đó, nổi bật là tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc không tổ chức HĐND phường, UBND phường là chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, đã theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 6 khóa XII của Đảng. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

“Việc không tổ chức HĐND phường là phù hợp đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị và các địa phương đang đô thị hóa, tạo thuận lợi để nâng cao tính nhanh nhạy, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị, tác động tích cực đến phát triển KT-XH của TP; tạo nên sự năng động, tự chủ trong hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị và UBND quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn” - ông Đinh Mạnh Hùng khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, khi thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được đảm bảo, được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân và gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị-xã hội. Qua thực tiễn tổ chức và hoạt động của UBND phường với chức năng chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận cho thấy, đã giảm được thời gian thực hiện TTHC, biên chế được tinh giản, tiết kiệm được ngân sách chi cho hoạt động của cơ quan Nhà nước ở phường, thị trấn. Công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ KT-XH của quận, thị xã và các phường đạt kết quả theo kế hoạch đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân được thực hiện đúng quy định pháp luật, đạt hiệu quả cao. Hoạt động của UBND phường theo chế độ thủ trưởng cũng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên, tạo điều kiện cho chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Từ đó, về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, các cơ quan chuyên môn đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung, chính sách trong việc xây dựng dự án sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012. Đặc biệt, với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội là khu vực các quận đã được quy hoạch chi tiết; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ, có liên thông liên kết nhau thành một mạng lưới, một chỉnh thể trong một đô thị thống nhất, xuyên suốt toàn địa bàn TP, không có phân chia bởi địa giới đơn vị hành chính, đòi hỏi có sự quản lý tập trung, thống nhất trên toàn TP. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ không bị ràng buộc bởi những ranh giới hành chính nội bộ (quận, phường) mà có đan xen, gắn kết chặt chẽ nhau theo các chuỗi liên kết trong toàn đô thị. Vấn đề ANTT-ATXH tại các quận, phường đa dạng, phức tạp, diễn ra không theo ranh giới đơn vị hành chính quận, phường. Việc quản lý dân cư, quản lý trật tự trị an chỉ được phát huy hiệu quả khi triển khai đồng bộ trong phạm vi tổng thể các quận trên địa bàn TP. Các huyện và thị xã Sơn Tây cũng đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều tiêu chí về đô thị đã đạt các tiêu chuẩn của quận.

“Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, để đề xuất các mô hình chính quyền tại quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn một cách phù hợp, nhằm phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan T.Ư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế"- ông Đinh Mạnh Hùng nhấn mạnh.