Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu Lăng mộ đá cổ hơn 100 tuổi giữa lòng Hà Nội cần được tôn tạo

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải có tính đặc thù cao về kiến trúc, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo, lăng được xây toàn bộ bằng đá cẩm thạch trắng theo kiểu chữ ''Đinh'', dài 8m, cao 6m. Toàn bộ công trình được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1962.

Đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông

Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, Hoàng Cao Khải (1850–1933) - nguyên danh là Hoàng Văn Khải, quê làng Đông Thái (thuộc xã Tùng Ảnh, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868). Ông là nhà văn, nhà sử học và là đại thần dưới triều Vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam. 

Hiện trạng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn (phường Trung Liệt, quận Đống Đa). 
Hiện trạng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn (phường Trung Liệt, quận Đống Đa). 

Nằm sâu trong con ngõ 252 đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội), khu Lăng mộ đá Hoàng Cao Khải được xây dựng từ năm 1893. Khi đó Hoàng Cao Khải đã cho thiết lập một vùng đất rộng lớn nhằm làm nơi chôn cất và cúng tế cho gia tộc mình.

Toàn bộ quần thể ấy rộng đến 17ha, bao gồm 14 công trình kiến trúc lớn, nhỏ về lăng mộ và đình chùa như: Lăng Hoàng Cao Khải, Lăng con Hoàng Trọng Phu, đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt, khu đền thờ họ Hoàng với bảy gian theo phong cách kiến trúc dân gian… nằm rải rác ở khu vực phía Tây của gò Đống Đa.

Trần của khu lăng được điêu khắc tinh xảo.
Trần của khu lăng được điêu khắc tinh xảo.

Lăng Hoàng Cao Khải được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8 mét, cao 6 mét, trần cách sàn hơn 4 mét. Ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng, mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, mộ bà vợ ở bên phải. Toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ sắc sảo. Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ) và qua bàn tay chế tác đá của các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các nhà sử học Việt Nam đã từng gọi lăng là “Thành nhà Hồ thứ 2” và giới nghiên cứu lịch sử người Pháp đánh giá, đây là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.

Xét về kiến trúc tổng thể, Lăng Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu có những nét tương đồng, nhưng về quy mô thì khác nhau. Lăng con Hoàng Trọng Phu xây sau nhưng lăng mộ đồ sộ hơn cha. Toàn bộ mặt cắt ngang của lăng dài 15m, được chia làm nhiều khu nhỏ, trần cũng cao hơn 4m với những họa tiết và hán tự đặc trưng.

Tại đây vẫn còn lưu giữ được những chạm khắc trên đá tinh xảo.
Tại đây vẫn còn lưu giữ được những chạm khắc trên đá tinh xảo.

Cấp thiết cần được tu bổ, tôn tạo

Theo Phó trưởng Phòng Văn hoá & Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Thị Hồng Tuyến, sau khi được xếp hạng vào năm 1962, trong một thời gian dài, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, khu di tích ít được quan tâm bảo vệ. Một số cơ quan và nhiều hộ dân đã sử dụng các công trình kiến trúc, sân vườn thuộc khu di tích làm trụ sở làm việc và nhà ở.

Vào đầu năm 1990, TP Hà Nội đã cho mở đường Thái Hà cắt đôi khu di tích Hoàng Cao Khải. Tháng 7/2000, UBND quận Đống Đa đã giao các đơn vị liên quan thuộc quận phối hợp UBND phường Trung Liệt khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình kiến trúc và thực tế sử dụng nhà đất tại khu di tích Hoàng Cao Khải. Kết quả cho thấy khu Di tích Lăng Hoàng Cao Khải hầu hết có các hộ dân nằm trong khu vực bảo vệ của di tích. Trước thực trạng trên, căn cứ các quy định về bảo vệ di sản văn hóa, các đơn vị chuyên môn thuộc TP, quận đã báo cáo đề xuất điều chỉnh khoanh vùng khu Di tích Lăng Hoàng Cao Khải.

Hiện trạng Lăng con Hoàng Trọng Phu (phường Trung Liệt, quận Đống Đa). 
Hiện trạng Lăng con Hoàng Trọng Phu (phường Trung Liệt, quận Đống Đa). 

Ngày 2/6/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ 6 điểm thuộc khu di tích gồm: Lăng Hoàng Cao Khải và hồ Bán nguyệt; Lăng Hoàng Trọng Phu và Am đá; Khu Từ đường và Hồ vuông; Đình Tế; Đình Làng (Đình Thái Hà) và Trụ đá (Trụ đèn).

“Năm 2014, UBND quận Đống Đa đã thực hiện di dời toàn bộ 03 hộ dân nằm trong nội tự Lăng Hoàng Trọng Phu; 01 hộ dân trong Am đá; giải tỏa công trình kiến trúc của 03 hộ dân nằm sát Lăng Hoàng Cao Khải. Hiện nay trong lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu hoàn toàn không có người sinh sống” - Phó trưởng Phòng Văn hoá & Thông tin quận Đống Đa cho biết.

Ngôi mộ bằng đá bên trong khu Lăng con Hoàng Trọng Phu.
Ngôi mộ bằng đá bên trong khu Lăng con Hoàng Trọng Phu.

​Trong thời gian tới, quận Đống Đa cần quan tâm thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu; bên cạnh đó sớm có phương án di dời các cơ quan, hộ dân còn sinh sống trong các điểm di tích còn lại, trước mắt là đối với khu nhà Từ đường hiện do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quản lý, sử dụng.