Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng Mexico và bài học cho châu Âu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cách đây 30 năm, ngày 20/8/1982, sau một thời gian nai lưng trả nợ, Chính phủ Mexico thông báo mất khả năng thanh toán tín dụng, làm bùng phát cuộc khủng hoảng nợ tại các nước đang phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, đây là bài học mà châu Âu cần nghiên cứu nhằm thoát khỏi nguy cơ rơi vào “thập kỷ mất mát”.

Nguyên nhân khởi phát căn bệnh nợ công tại Mexico và châu Âu có nhiều nét tương đồng với sự dư thừa của tín dụng giá rẻ. Từ những năm 1970, kinh tế Mexico cất cánh nhờ cung cấp dầu cho Anh, Mỹ, Nhật Bản và dễ dàng tiếp cận với nguồn tiền mặt khổng lồ từ Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, các khoản tiền này không hề sinh lời vì không được Chính phủ Mexico đưa vào danh mục đầu tư, giống như tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hầu hết nguồn tiền đi vay mượn đã chảy vào các chương trình phúc lợi xã hội đắt đỏ.

Khủng hoảng Mexico và bài học cho châu Âu - Ảnh 1

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng, trước tiên, Eurozone cần phải xóa nhiều khoản nợ hơn nữa cho Hy Lạp do quy mô của nền kinh tế này đã giảm tới 20% so với 3 năm trước. Nếu tiếp tục bị gánh nặng nợ đe dọa như hiện nay, Athens  sẽ phải cắt giảm nhiều hơn chi tiêu công trong 2 năm tới và cái giá của những biện pháp khắc khổ này không hề nhỏ. Năm 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latin thấp hơn năm 1980 tới 8%, kéo theo hậu quả tất yếu là 5 năm sau biến cố 1982, tỷ lệ nợ/GDP của Mexico đã tăng gấp đôi và suốt một thập kỷ sau đó, người dân đã phải vật lộn với đói nghèo, thất nghiệp, bất công xã hội...

Điều thứ hai mà khủng hoảng 1982 tại Mexico dạy cho Eurozone là phải củng cố lại hệ thống tài chính đang miễn cưỡng dành các khoản tiền lớn để những quốc gia bị nợ công đe dọa vay mượn. Sự độc quyền của các ngân hàng T.Ư trong khu vực đã chi phối thị trường tài chính châu Âu, kéo theo các cuộc dàn xếp về nguồn vốn, tỷ lệ lãi suất… Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc không nắm rõ những quy luật kinh tế - chính trị của Adam Smith, Karl Marx, Friedrich Hayek và Maynard Keynes đã dẫn đến việc hệ thống chỉ báo khủng hoảng của châu Âu không hề rung chuông khi xuất hiện các dấu hiệu từ năm 2007.  Tại châu Âu, các gói kích thích chi tiêu được ban hành sau khủng hoảng tài chính 2007 đã tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành gánh nặng cho ngân sách vốn chủ yếu dựa vào vay mượn của Eurozone. Vì thế, biện pháp mà châu Âu cần phải làm gấp là phải xem xét lại chính sách khắc khổ hiện nay. Thậm chí, Eurozone có thể phải chấp nhận những nguy cơ có thể xảy ra để phá giá đồng tiền và định hướng sang tăng trưởng giống như Mexico từng thực hiện trong năm 1994.