TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.
Không lơ là mất cảnh giác
Việc các ngân hàng trên thế giới khủng hoảng có ảnh hưởng gì đến thế giới và Việt Nam thì sao, liệu có chịu ảnh hưởng tiêu cực?
- Thị trường tài chính toàn cầu vừa qua hứng chịu cú sốc lớn khi một số ngân hàng đóng cửa do làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi tiền dẫn tới mất thanh khoản.
Sillicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank của Mỹ nắm giữ lượng lớn trái phiếu từ Chính phủ Mỹ và các trái phiếu BĐS đảm bảo. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, từ gần 0% lên biên độ 4,5 - 4,75% trong vòng chưa đầy một năm khiến các loại trái phiếu mà ngân hàng mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị nên ngân hàng gặp khó.
Khi nghe tin, người gửi tiền vội vã rút tiền khiến các ngân hàng phải chấp nhận bán trái phiếu với giá thấp nên thua lỗ, dẫn đến phá sản.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc 3 ngân hàng Mỹ phá sản trong một tuần, nhiều ngân hàng khác tại Mỹ cũng bị người dân rút tiền, bán tháo cổ phiếu.
Nói cách khác, hệ thống ngân hàng Mỹ đang bị khủng hoảng tại các ngân hàng nhỏ và vừa.
Tại một số quốc gia châu Âu, hiện tượng này cũng bắt đầu xuất hiện.
Câu chuyện ngân hàng ở Mỹ không chỉ gói gọn trong phạm vi giới ngân hàng.
Giới công nghệ đang rất lo lắng. Vì khách hàng chính là những công ty công nghệ, khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm, điều này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ ở Mỹ, dù FDIC, Fed và Bộ
Tài chính Mỹ đã đưa ra giải pháp khẩn cấp và “ngoại lệ” để đảm bảo các khách hàng gửi tiền ở SVB.
Vào cuối tuần trước, các cơ quan quản lý của Anh, Canada, Ấn Độ cho tới Hàn Quốc, Singapore đều đang quan tâm điều này. Sự đổ vỡ của SVB, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến tác động rất tiêu cực lên nguồn vốn của các công ty khởi nghiệp.
Với Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức thì tôi cho rằng chưa đáng kể.
Tuy nhiên, nếu tình hình khó khăn ở Mỹ và châu Âu kéo dài, nhiều hoạt động đầu tư vào Việt Nam có thể gặp khó khăn vì nhà đầu tư sẽ có ý định giảm thiểu rủi ro và ngồi chờ xem có phương án đầu tư nào tốt hơn không, hoặc muốn duy trì tiền mặt để phòng thủ cho DN của mình chứ không mở rộng đầu tư. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư mở rộng.
Sự việc lần này liệu có tái diễn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009 hay không, thưa ông?
- Sự việc có khả năng tạo domino lan truyền hay không, các nhà kinh tế học mong rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ hiện nay sẽ không quay lại kịch bản của cuộc khủng hoảng 14 năm về trước.
Các cơ quan chức năng trên khắp thế giới đang cảnh giác cao độ về hệ lụy của những vụ khủng hoảng ngân hàng gần đây. Chính phủ Mỹ đã đối phó với tình huống này khi bảo đảm để người gửi tiền khỏi bị mất tiền.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của ngân hàng trung ương các nước, tâm lý nhà đầu tư vẫn lo lắng. Một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn.
Khi người gửi tiền đổ tới rút tiền thì rất khó cho ngân hàng bất kể anh khỏe hay yếu.
Nếu ngân hàng nhỏ đổ vỡ thì chính bản thân ngân hàng lớn cũng lâm nguy vì các tài sản cần thanh lý của ngân hàng nhỏ như trái phiếu, các tài sản cầm cố, cũng liên hệ đến các tài sản chất lượng cao mà ngân hàng lớn nắm giữ. Do đó không hoảng loạn nhưng không thể chủ quan.
Nâng cao năng lực quản trị, cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng
Những rủi ro nào đang chực chờ hệ thống ngân hàng Việt?
- Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn (80 - 90%), các ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư, cho vay trung, dài hạn (trái phiếu DN, BĐS) sẽ rất rủi ro.
Sự việc là hồi chuông cảnh báo đối với các ngân hàng Việt Nam khi một số ngân hàng cũng đang đầu tư mạnh vào một số lĩnh vực như BĐS hay trái phiếu DN, vốn là những lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các ngân hàng Việt Nam không cho vay với lĩnh vực tiền số, hay bị thua lỗ bởi nắm giữ trái phiếu chính phủ… như các ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ, song nhiều ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu DN và cho vay BĐS lớn.
Ngân hàng nắm một số lượng lớn trái phiếu DN mà hơn 300.000 tỷ trái phiếu DN đến hạn trả nợ trong năm nay. Trong số này 1/3 là DN BĐS, với khả năng thanh toán nợ rất thấp.
Nếu DN không thể thanh toán, thì hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ bị kéo xuống. Ngân hàng nhỏ nếu nắm lượng trái phiếu lớn sẽ vào vùng nguy hiểm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể đang thanh tra rất sát sao mảng này để tránh một sự đổ vỡ mang tính hệ thống (systemic risk).
Ông có khuyến nghị gì về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay? Những tình huống bất ngờ mà Việt Nam cần lưu ý và có kế hoạch ứng phó là gì?
- Bài học kinh nghiệm từ vụ việc là các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm là tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro; giữ niềm tin với khách hàng; cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.
Các ngân hàng cũng phải sẵn sàng nguồn dự phòng rủi ro cho trái phiếu DN, BĐS, nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu.
Về lâu dài, các ngân hàng vẫn phải liên tục tăng vốn để cải thiện CAR, nâng cao khả năng phòng thủ.
Hiện nay, CAR của nhiều ngân hàng còn mỏng, do tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.
Về phía NHNN, trước các rủi ro của thị trường, cơ quan này chắc chắn sẽ siết chặt hoạt động quản trị rủi ro an toàn hệ thống. Thống đốc cho biết, đã thanh tra đột xuất một số ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu DN.
NHNN nên công bố thông tin về kết quả của lần thanh tra này liên quan đến những vi phạm cụ thể của các ngân hàng để người dân, DN có thể biết những sai phạm của các ngân hàng để tránh.
Dĩ nhiên, NHNN không cần nêu đích danh các ngân hàng bị thanh tra. Việc thanh tra chắc chắn sẽ giúp cải thiện các hoạt động cho vay của các ngân hàng và từ đó giúp khai thông nguồn vốn tín dụng.
Đồng bộ tháo gỡ khó khăn thị trường vốn
Còn về lãi suất thì sao, ông đánh giá sao về động thái của NHNN trong việc giảm lãi suất điều hành? Theo ông lãi suất có thể giảm tiếp nữa không?
- Việc một số ngân hàng sụp đổ cho thấy những thách thức nảy sinh từ quá trình nâng lãi suất mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Để kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng trung ương đã phải nâng lãi suất, nhưng tốc độ tăng quá nhanh và mạnh đã gây ra những vấn đề khó lường.
Với Việt Nam, sau gần 5 tháng kể từ lần mạnh tay tăng lãi suất điều hành đến nay, lạm phát trong tầm kiềm soát, lãi suất đi xuống sau khi đã tăng khá mạnh trong quý III, IV/2022.
Điều quan trọng hơn là nếu tiếp tục giữ lãi suất tiền gửi quá cao sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng, vốn cũng đang gặp rất nhiều thách thức để đẩy vốn cho vay ra, và DN rất khó vì lãi cao, tăng trưởng chậm.
Việc cắt giảm lãi suất (nếu có thêm nữa) sẽ làm giảm bớt căng thẳng trên thị trường BĐS và hỗ trợ nền kinh tế. Dư địa giảm lãi suất sẽ còn phụ thuộc lớn vào mức độ ổn định của thị trường tiền tệ, tức còn tùy thuộc vào các biến số vĩ mô trong và ngoài nước.
Chỉ có một điều quan trọng nhất cần phải thực thi đó là giảm lãi suất nhưng DN phải tiếp cận được và làm sao sử dụng đồng tiền an toàn và hiệu quả cao nhất.
Nói về rủi ro trái phiếu, Chính phủ có nghị định 08/2023/NĐ-CP và NHNN đang dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN về ngân hàng mua bán trái phiếu DN. Ông nhận xét thế nào về cách khơi thông kênh dẫn vốn là trái phiếu để hiệu quả, an toàn?
- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu để không rơi vào đổ vỡ hàng loạt.
Nghị định của Chính phủ đã cho phép DN đàm phán với trái chủ để gia hạn kỳ hạn trái phiếu, hoặc thanh toán bằng tài sản khác. Tuy vậy, Chính phủ cần có quyết định hoãn nợ cho tất cả trái phiếu đến hạn trong vòng 2 năm tới. Tức là cho họ cơ hội để cơ cấu lại nợ, cải thiện tình hình kinh doanh và có tiền để trả nợ.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16, NHNN mở đường cho tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu DN sẽ giảm phần nào áp lực trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và kiểm toán có thể kiểm soát các giao dịch và đảm bảo vốn từ trái phiếu DN được sử dụng đúng mục đích, đồng thời tránh các DN sử dụng đòn bẩy quá lớn và quá rủi ro, phát triển sự lành mạnh của thị trường trái phiếu trong dài hạn.
Tuy nhiên mức độ tác động đến thị trường này còn nhiều giới hạn, và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành trong thời gian tới
Kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Muốn vậy thì đầu tư công phải đạt mục tiêu, đồng thời
Việt Nam cần sớm giải quyết vấn đề trái phiếu DN. Điều đó khó thực hiện nhưng vẫn phải sớm giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay có một số ngân hàng có sức khỏe tài chính rất yếu kém và chỉ sống dựa vào sự hỗ trợ của NHNN. Tôi cho rằng, với những ngân hàng nào được đánh giá ở thang điểm có nguy cơ vỡ nợ hay phá sản, NHNN nên có kế hoạch sáp nhập hay rút khỏi thị trường ngân hàng, thay vì cho phép họ tồn tại nhưng đang trở thành một lực cản cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính. Hệ thống ngân hàng Việt Nam phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất.
TS Nguyễn Trí Hiếu