Khủng hoảng tại Syria: Chưa có lối thoát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Diễn ra tại Rome, Italia ngày 28/2, Hội nghị quốc tế "Những người bạn hữu của Syria" được coi là một cơ hội hoàn hảo cho các bên cùng ngồi lại và tìm ra con đường ngắn nhấn để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 24 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, hy vọng chấm dứt cuộc xung đột tại đây ngày càng trở nên mờ mịt vì nhiều nguyên nhân.

Chỉ vài ngày trước, phe đối lập Syria còn tuyên bố sẽ không tham gia Hội nghị này để phản đối sự chậm trễ của các quốc gia phương Tây trong việc hỗ trợ các lực lượng này chống lại chính quyền của Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, kế hoạch "tẩy chay" cuộc họp này của phe đối lập đã nhanh chóng bị phá sản sau khi xuất hiện những tuyên bố trấn an từ các nước phương Tây. Hôm 25/2, tại London, trong cuộc gặp với người đồng cấp Anh William Hague, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định con số thương vong lên tới gần 70.000 người tại Syria thời gian qua là không thể chấp nhận được. Đặc biệt, chủ đề được tập trung thảo luận trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới 9 nước Tây Âu, Ả Rập là tình hình Syria cho thấy những bước chuyển quan trọng của Nhà Trắng đối với mức độ và tiến độ can thiệp vào diễn biến tại quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, sự hiện diện của ông tại Hội nghị "Những người bạn hữu của Syria" được cho là một lời bảo chứng quan trọng của Washington đối với các lực lượng tìm cách lật đổ Chính phủ đương nhiệm do ông al-Assad đứng đầu. 

Khủng hoảng tại Syria: Chưa có lối thoát - Ảnh 1

Một cuộc biểu tình chống chính quyền tại Syria.

Trong khi đó, cuộc gặp với người đồng cấp Kerry của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã xuất hiện những bước tiến triển đáng kể về quan điểm của hai cường quốc. Sự mềm mỏng hiếm có của Nhà Trắng khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland kêu gọi phe đối lập Syria đàm phán với Chính phủ đã mở ra hy vọng để Moscow và Washington cùng nhau phối hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây. Tuy nhiên, xét trên thực tế, lời kêu gọi này là hoàn toàn không có cơ sở để giải quyết triệt để mâu thuẫn nội bộ của Syria vì tình hình nước do các nhóm vũ trang có liên hệ mật thiết với lực lượng al-Qaeda chứ không phụ thuộc vào phe đối lập lưu vong ở nước ngoài mà Mỹ đang hỗ trợ. Một loạt các vụ tấn công khủng bố tại Damascus gây thương vong lớn thời gian qua là một lời nhắc nhở về điều này.

Dù thỏa thuận cuối cùng mà "Những người bạn hữu của Syria" đạt được là gì thì nhân tố quyết định đầu tiên và cuối cùng để chấm dứt cuộc xung đột tại đây không phải là những cam kết của cộng đồng quốc tế mà chính là những người dân nước này. Tuy nhiên, khi quá nhiều nước muốn can thiệp sâu hơn vào tình hình tại Syria để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, vấn đề của Syria không còn là của riêng người Syria nữa. Vì thế, sự phụ thuộc vào phương thức phân chia lợi ích giữa các quốc gia phương Tây chắc chắn sẽ khiến cho tình hình Syria trở nên phức tạp hơn và khó có một sự đột phá nào cho đến khi xuất hiện một cái cớ hoàn hảo để triển khai kịch bản như từng diễn ra ở Libya.