Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới: Chế tài xử phạt các hành vi phạm tội

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) xuất hiện nhiều trên thị trường. Do là sản phẩm mới, còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau, vì thế việc xây dựng khung pháp lý nhằm kiểm soát thuốc lá thế hệ mới rất cấp thiết, nhằm giúp cho các cơ quan chức năng có chế tài, xử phạt nghiêm minh các hành vi phạm tội.

Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới

Tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới” được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 7/1 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện từ một số bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Đây là buổi tọa đàm được tổ chức nhằm thảo luận sâu hơn về vấn đề chính sách quản lý đối với thuốc là thế hệ mới, cách tiếp cận mới phù hợp với lợi ích các chủ thể liên quan và thực tiễn xã hội ở Việt Nam nhằm góp thêm góc nhìn để tham mưu cho Bộ Công Thương về chính sách quản lý đối với sản phẩm này để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới”
Tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới”

Hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe con người và Việt Nam hiện vẫn đang là một trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới. Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ. Tại Việt Nam, sản phẩm này đã xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau dù chưa được phép thương mại. Dựa vào nhu cầu của người dùng trong nước, các sản phẩm được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc nhập khẩu theo đường xách tay. Tình trạng nhập lậu ngày càng đáng báo động trong khi các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý bởi sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ban hành năm 2012. Vào thời điểm ban hành Luật, chưa có TLTHM tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Thế nhưng, điều này không có nghĩa Luật PCTHTL không áp dụng được cho những sản phẩm thuốc là thế hệ mới tại thời điểm hiện nay.

“Tại phiên họp các bên lần thứ 8 (COP8) về kiểm soát thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá làm nóng, một trong những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, là sản phẩm thuốc lá và kêu gọi các nước quản lý theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia. Do WHO đã chính thức công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá, do vậy việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào là phù hợp” – bà Nguyễn Quỳnh Liên cho biết.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử

Kiểm soát, góp phần phòng chống và giảm tác hại thuốc lá

Ông Vũ Đức Nam - Phó Phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Nhu cầu quản lý TLTHM là cần thiết. Hiện Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật PCTHTL và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy Ban thường vụ Quốc hội cho biết: “Nhu cầu về khung pháp lý nhằm kiểm soát những sản phẩm TLTHM rất cấp thiết, nhằm giúp cho các cơ quan ban ngành chức năng có đủ công cụ để chế tài, xử phạt nghiêm minh các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, chính sách quản lý phù hợp các sản phẩm TLTHM vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Chúng ta đã có Luật PCTHTL nhưng lại chưa được áp dụng một cách triệt để.

“Trước thực tiễn cấp thiết như hiện nay, chúng ta cần khẩn trương đưa ra lộ trình thích hợp để có thể đẩy nhanh tiến trình quản lý. Việc sớm đưa các sản phẩm TLTHM chịu sự kiểm soát của Chính phủ, chế tài của Luật pháp chính là góp phần chống lại việc bình thường hóa sử dụng mọi loại sản phẩm thuốc lá cũng như ngăn chặn tình trạng phạm tội ngày càng tăng của những tổ chức, cá nhân buôn lậu” - TS Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Việc thiếu chính sách quản lý tồn tại nhiều năm qua đã và đang gây ra những tổn thất, phương hại về mặt kinh tế và xã hội. Rất mong các đề xuất quản lý trong thời gian tới sớm có quyết định nhằm đưa các sản phẩm TLTHM vào kiểm soát, góp phần phòng chống và giảm tác hại thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cho người dân, lành mạnh thị trường và tránh thất thu cho Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần