Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuôn mẫu ứng xử nào cho người Hà Nội?

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là câu hỏi khó trả lời, vì không thể lấy tiêu chí ứng xử của Hà Nội thời kỳ hội nhập với thời kỳ giao thoa văn hóa phương Tây ở đầu thế kỷ XX, càng không thể áp dụng tiêu chí ứng xử đó với Hà Nội của những năm 2020 và 2030.

 Ảnh minh họa.
Người Tràng An xưa và người Hà Nội nay
Nếu lấy khái niệm người Tràng An coi như một danh xưng về người Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, rõ ràng người Hà Nội là người cần cù, thanh lịch, hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm hay động lòng vì việc nghĩa, tình người. Người Tràng An ở với nhau, “biết nhịn”, “biết nể”, “biết ngượng”… Theo GS.TS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): “Có thể kể ra rất nhiều những nét thanh lịch của người Hà Nội xưa từ chuyện các gia đình gia giáo dạy con nền nếp gia phong cho đúng phong cách của một gia đình sống trên đất Hà thành. Từ cách đi đứng, ăn nói, ứng xử chỗ đông người, khi có khách, rồi sự kính trên nhường dưới, tôn ti trật tự… mà hai nhà văn hóa Phạm Đình Hổ và Hoàng Đạo Thúy khái quát lại về sự thanh lịch của người Hà Nội”.
Với vị thế của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong tiến trình đổi mới Thủ đô và đất nước, tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý

Sự giao thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống người Hà Nội hôm nay cũng trải qua nhiều vật lộn, sàng lọc để chung đúc nên các giá trị. Điều khác biệt với truyền thống là nếu như trước đây Hà Nội trầm mặc hơn, chậm rãi hơn, ung dung, tự tại hơn thì ngày nay cuộc sống nhanh hơn, người đông đúc hơn, đa dạng hơn, áp lực hơn. Ảnh hưởng nước ngoài nhiều hơn, nhiều mối quan tâm hơn... Nếu như trước kia nguồn cư dân xưa chủ yếu là những người làm ăn buôn bán, trí thức đỗ đạt được tuyển chọn làm quan trong bộ máy chính quyền, người dân sở tại, ngày nay cư dân đã đa dạng hơn nhiều, số lượng cũng như mật độ dày đặc hơn. Số người ngụ cư, lai vãng gồm cả người nước ngoài, người các tỉnh, thành khác đến làm ăn, du lịch, sinh sống cũng nhiều hơn... Chính vì vậy mà văn hóa đem đến Hà Nội cũng xô bồ hơn. Đó là chưa kể mạng thông tin toàn cầu công nghệ số đã một mặt đưa đến các thông tin ngày một nhanh nhạy, cập nhật, tốt nhiều, xấu cũng không ít. Nhiều người, đặc biệt người lớn tuổi có cảm giác nét thanh lịch truyền thống đã không còn.

GS.TS Lê Minh Lý phân tích: Giống như giai đoạn đầu thời kỳ Pháp thuộc, với sự ào ạt của các giá trị văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta, tưởng chừng văn hóa dân tộc sẽ bị nuốt chửng và biến mất, song thực tế trải qua một thời gian bị sốc thì văn hóa dân tộc nói chung, nét thanh lịch truyền thống của người Hà Nội nói riêng đã thể hiện bản lĩnh của nó. Thiết nghĩ giai đoạn hiện tại cũng như vậy. Sự giao thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống người Hà Nội đang trong quá trình đó. Thời gian ta đang thấy là giai đoạn đầu tiên, có nhiều cú sốc văn hóa, có nhiều điều chưa đẹp, xô bồ, lộn xộn..., song sẽ dần dần được điều chỉnh ổn định để định hình một sự thanh lịch mới của Hà Nội. Chắc chắn sự thanh lịch đó không còn đúng như thời của Phạm Đình Hổ, Hoàng Đạo Thúy hay những năm sau đó, mà sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lối sống hiện đại hôm nay. Song điều quan trọng là cốt cách, cái lõi của sự thanh lịch truyền thống vẫn sẽ được giữ gìn từ các khu phố cổ cho đến đời sống sinh hoạt của toàn TP.

Giải pháp xây dựng ứng xử văn hóa

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng: Xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đã và đang cố gắng gạn đục khơi trong, kiên trì thu nạp, dung hòa giữa cũ và mới; gìn giữ những tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh những nền nếp ứng xử của con người Kẻ Chợ xưa… Đặc biệt, tiếp thu - sàng lọc - kết tinh - lan tỏa để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực cho người dân Hà Thành bao gồm cả văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài.
Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô. TP cũng cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp Nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Các chuyên gia văn hóa đánh giá, Hà Nội cần nghiên cứu sâu về văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa đô thị, thực trạng văn hóa ứng xử của từng đối tượng cư dân Hà Nội. Từ đó, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu, tần số giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực nên có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng văn hóa ứng xử của Hà Nội trước hết phải có tính kế thừa. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều “tục hay, lệ lạ của Thăng Long - Hà Nội” đến nay vẫn nguyên giá trị. Từ đây, trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử mà TP đã ban hành, chúng ta sẽ có thêm những phương cách huy động sự vào cuộc của các địa phương, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp một cách phù hợp, hiệu quả.

Những nét đẹp của văn hóa ứng xử truyền thống của người Hà Nội cần được phổ biến đến đông đảo người dân bằng nhiều hình thức để từ đó gợi mở cho mọi người suy nghĩ và hành động hướng tới cái đẹp. Dùng các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động tuyên truyền khác, nhằm tạo ra dư luận xã hội học tập, noi theo các giá trị văn hóa ứng xử. Đồng thời còn tạo ra dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, đấu tranh chống lại những mặt tiêu cực hành vi chưa phù hợp và lối sống phi văn hóa trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ứng xử văn hóa của người dân Hà Nội trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề rộng, mở và phức tạp. Trong sự phong phú và đa dạng ấy, các nhà nghiên cứu văn hóa, đơn vị quản lý đã và đang gợi mở để bàn luận, nhằm nhận diện rõ hơn về văn hóa ứng xử của người dân Hà Nội hiện nay và tương lai.