Khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản kiểm soát nguy cơ dịch bệnh từ hoạt động kiểm hàng

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đã gửi công văn đến các doanh nghiệp (DN) hội viên khuyến cáo về việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua hoạt động kiểm tra hàng tại nhà máy.

Theo VASEP, qua trao đổi với một số DN thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các DN đang lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thông qua các hoạt động kiểm hàng của các cán bộ thuộc các công ty nước ngoài, văn phòng đại diện đóng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Các cán bộ kiểm tra hàng đi từ vùng dịch và di chuyển liên tục qua nhiều công ty trong quá trình kiểm hàng sẽ trở thành mối nguy rất lớn làm lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại DN.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, để đảm bảo vừa có thể thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời vẫn có thể tiến hành công tác kiểm tra hàng tại nhà máy theo kế hoạch, VASEP đề nghị các DN triển khai thực hiện một số biện pháp:
Đề nghị cơ quan cử người đến nhà máy kiểm tra phải có giấy giới thiệu và cung cấp thông tin về các yếu tố dịch tễ rõ ràng và an toàn của người đi kiểm tra. DN cần trao đổi với các khách hàng về lịch kiểm tra hàng vào những thời điểm thích hợp nhằm kiểm soát được các nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc.
Bắt buộc có khai báo y tế đối với các cán bộ đến kiểm hàng tại nhà máy. Thông báo với CDC địa phương khi phát hiện các yếu tố có nguy cơ nhiễm Covid-19 để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
DN thông báo với các đối tác, khách hàng về kế hoạch phòng, chống và kiểm soát Covid-19 tại DN, giúp các bên có thể chủ động hơn trong việc lên kế hoạch và cử cán bộ kiểm hàng tại nhà máy nhằm đảm bảo an toàn cho DN.
Chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh: Giang Lam 
Trước đó, cuối tháng 5/2021, trước tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động chế biến và sản xuất của DN, VASEP đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế…, kiến nghị hỗ trợ các DN thủy sản mua/tiêm vắc xin Covid-19.
Ngày 11/6, Bộ Y tế có công văn khẩn, trong đó đề nghị các cơ quan trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước (trừ các cơ quan đóng tại Hà Nội) và các đơn vị tư nhân, hiệp hội có trụ sở tại các tỉnh, thành phố chủ động liên hệ với Sở Y tế trên địa bàn để lập kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và tổ chức triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Theo VASEP, toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến có hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500-3.000 người, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000-10.000 lao động, mật độ lao động cao.
Trong 3 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã góp phần đảm bảo việc làm và sinh kế cho nông, ngư dân tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu của đất nước với khoảng 8,5-8,8 tỷ USD/năm.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng và ngày càng có dấu hiệu phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động. Đây thực sự đang là mối lo lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nói chung, đến sự tồn tại của các DN và đời sống người lao động, đặc biệt với các ngành và các DN sử dụng nhiều lao động như thủy sản.
“Khi một DN chỉ cần bị giãn cách, cách ly, không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam” – VASEP cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần