Khuyến học xanh – vì sự phát triển bền vững của Thủ đô
Kinhtedothi – Để thực hiện khuyến học xanh trước yêu cầu phát triển xanh, tăng trưởng xanh của đất nước thì mỗi người dân cần có tư duy xanh, lối sống xanh và kỹ năng xanh.
Nhiều giải pháp thực hiện khuyến học xanh
Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Học tập suốt đời”, ngày 15/4, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề "Khuyến học xanh – vì sự phát triển bền vững của Thủ đô". Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề "Khuyến học xanh – vì sự phát triển bền vững của Thủ đô".
Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh nhấn mạnh: ngày nay, khuyến học không chỉ hoạt động trong một xã hội số, mà còn trong một xã hội xanh để xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Trong 5 năm tới (2025 – 2030), nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học là thực hiện thắng lợi các mô hình học tập theo đúng chức năng của Hội. Đó là hỗ trợ và khuyến khích việc dạy và học của công dân, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập suốt đời của công dân trong hệ thống giáo dục liên tục.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nói đến khuyến học xanh thì phải nói đến giáo dục xanh. Đó là giáo dục cho con người có lối sống xanh; suy nghĩ, hành động lành mạnh và luôn hướng đến sự cân bằng của môi trường.
Chiến lược chuyển đổi xanh sẽ được triển khai trong mọi lĩnh vực hoạt động thuộc nền kinh tế quốc dân, trong đó có giáo dục, đào tạo và khuyến học. Khuyến học xanh định hướng những nội dung học tập suốt đời vào việc bảo vệ môi trường, tạo ra sự công bằng cho mọi công dân về mặt sinh thái, giúp cho mọi cá nhân và cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ tương lai con người trước những nguy cơ suy thoái của môi trường sống.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, trong hệ thống giáo dục người lớn, khuyến học xanh là chuyển đổi cách thức dạy học và học tập trong các cơ sở giáo dục không chính quy. Đồng thời, cung cấp những phương pháp học tập hiện đại trên cơ sở những công nghệ học tập mới, giúp các học viên tự học, tự định hướng việc học tập vì công việc đảm nhiệm theo chương trình chuyển đổi xanh của quốc gia.
Tham luận một số vấn đề về khuyến học xanh, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc – Chủ tịch Hội Khuyến học phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ những giải pháp thực hiện khuyến học xanh, với sự tham gia của Hội Khuyến học, Sở GD&ĐT, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, UBND TP Hà Nội. Các giải pháp thực hiện khuyến học xanh gồm tuyên truyền và nâng cao nhận thức về giáo dục xanh; xây dựng môi trường học tập xanh; đổi mới nội dung đào tạo theo hướng xanh hóa; thúc đẩy học tập trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường; hỗ trợ tài chính và chính sách cho người học theo định hướng xanh.
Xây dựng công dân Thủ đô trở thành công dân tiêu biểu
Phát triển xanh và bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng trong xu thế phát triển chung với mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đề nghị Hội Khuyến học Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ vì sự phát triển xanh, bền vững của Thủ đô. Cụ thể, tập trung đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông để xây dựng nội dung tuyên truyền về giáo dục xanh, khuyến học xanh phù hợp từng đối tượng. Đồng thời, Hội Khuyến học TP quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nghiên cứu sâu sắc về công tác giáo dục, khuyến học, khuyến học xanh.
Hội Khuyến học Hà Nội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Tuyên giáo và Dân vận, ngành GD&ĐT để tham mưu cho Thành ủy, UBND TP những chủ trương, nghị quyết, quyết sách và bố trí nguồn nhân lực cụ thể để triển khai giáo dục xanh, khuyến học xanh gắn liền với phát triển của Thủ đô. Hội Khuyến học Hà Nội chủ động tham mưu cho Thành ủy xây dựng các mô hình học tập (công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập) chất lượng cao hơn, bền vững hơn, để xây dựng công dân Thủ đô trở thành công dân tiêu biểu.

GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam tham luận về khuyến học xanh.
Đồng thời Hội Khuyến học Hà Nội phối hợp với ngành GD&ĐT thực hiện chuyển đổi số, dữ liệu học tập, tư liệu học tập trong các trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó, người dân có điều kiện thuận lợi để học tập mọi lúc, mọi nơi, tiếp cận với thông tin.
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng. Đồng thời, thống nhất với 6 nhóm giải pháp mà các đại biểu đưa ra. Trong đó, tăng cường giáo dục, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh và khuyến học xanh; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức những hoạt động bảo vệ môi trường, tái sử dụng, tái chế; xây dựng và hoàn thiện các mô hình khuyến học; ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, Hội Khuyến học TP thúc đẩy các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên nền tảng số.

1.100 học sinh lớp 9 trải nghiệm học nghề, tiền lương trên 10 triệu đồng/tháng
Kinhtedothi – Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp 2025 “Định hướng tương lai, Kiến tạo ước mơ” do Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội tổ chức ngày 22/3 thu hút sự tham gia của 1.100 học sinh lớp 9 của 10 trường THCS trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức.

Trên 2.100 việc làm dành cho sinh viên và người lao động
Kinhtedothi – Ngày hội việc làm năm 2025 diễn ra tại khuôn viên Học viện Phụ nữ Việt Nam có sự tham gia của 50 đơn vị, DN tuyển dụng 2.155 chỉ tiêu, đa dạng vị trí việc làm, mức lương lên tới trên 10 triệu đồng/tháng, thu hút nhiều sinh viên đến tìm hiểu và đăng ký ứng tuyển.

Những kỹ năng giúp thanh niên có việc làm trong kỷ nguyên số
Kinhtedothi – Để có được việc làm trong kỷ nguyên số, thanh niên, lao động trẻ không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn cần kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, sự sáng tạo...