Với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cũng như đại diện từ các nền kinh tế thành viên APEC, đối thoại đưa ra các khuyến nghị cho việc thực thi chính sách đầu tư xanh trong khu vực APEC nói chung và từng nền kinh tế nói riêng. Các kết quả của đối thoại sẽ được báo cáo lên nhóm chuyên gia đầu tư APEC với mục đích lồng ghép hiệu quả các mục tiêu về khí hậu và môi trường vào khuôn khổ chính sách về đầu tư và kế hoạch phát triển hạ tầng.
Đối thoại được tổ chức với mục tiêu tăng cường thảo luận về các thông lệ thực hành tốt nhằm đưa ra các khuyến nghị về chính sách cũng như hỗ trợ các nền kinh tế APEC trong giai đoạn chuyển đổi sang phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng, phát thải các-bon thấp và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Đối thoại là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đô thị hóa và đề xuất các khuyến nghị về kết hợp các mục tiêu khí hậu và môi trường trong chính sách với khung pháp lý để định hướng đầu tư tư nhân và đối tác công - tư.Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường là vấn đề lớn đối với các nền kinh tế. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cần có chính sách và hành động kịp thời để hướng tới sự phát triển phát thải các-bon thấp và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Điều này cũng là mục tiêu của nhiều chính phủ hiện nay. Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, nước và xây dựng là nhiêm vụ trọng tâm.Trong nhiều năm gần đây, các Bộ trưởng APEC nhận định: Những hoạt động APEC trong thúc đẩy đầu tư bền vững sẽ bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, khuyến khích đầu tư vào tăng trưởng xanh và khuyến khích cải cách vì một nền kinh tế phát thải các-bon thấp. Trên cơ sở chỉ đạo của các Bộ trưởng APEC, hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã tích cực đầu tư vào tăng trưởng xanh, tuy nhiên việc duy trì tốc độ tăng trưởng đòi hỏi một nguồn tài chính lớn do chi phí ban đầu cao, đặc tính tập trung vốn và các yếu tố pháp lý khác.Các chính phủ cần có chính sách và khung pháp lý hỗ trợ và ổn định hơn nữa để huy động các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân, theo đó khu vực nhà nước và tư nhân cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chung cho tăng trưởng xanh bền vững. Có thể thấy chính sách đầu tư xanh đóng một vai trò quan trọng và tác động nhiều đến yếu tố khác nhau như thiết lập mục tiêu và điều chỉnh chính sách ưu đãi cho phát thải các-bon thấp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế, cũng như thúc đẩy kinh doanh xanh và điều chỉnh hành vi tiêu dùng…