Phân loại để "ứng xử"
Ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 1.586 biệt thự do Pháp để lại. Trong đó, có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 42 biệt thự ở Trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá. Hiện chỉ còn biệt thự do cơ quan nhà nước và tư nhân (một hộ) quản lý giữ được nguyên vẹn. Số biệt thự còn lại đã bị xuống cấp, biến dạng. Nhiều biệt thự có tới 30 hộ dân sinh sống.
Để có căn cứ bảo tồn hàng trăm biệt thự trên, Hà Nội đã hoàn thành việc phân loại biệt thự thành bốn loại. Cụ thể, loại 1 là biệt thự có giá trị đặc biệt về văn hoá, kiến trúc, lịch sử, có quy mô lớn, vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên bản; loại 2, biệt thự có vị trí đẹp, có giá trị về văn hóa, kiến trúc nhưng ít nhiều đã bị biến dạng, xuống cấp nhưng cần bảo tồn. Với hai loại biệt thự này sẽ nghiêm cấm phá dỡ. Trường hợp xuống cấp, không còn nguyên vẹn sẽ phục chế nguyên trạng không làm thay đổi kiến trúc ban đầu của biệt thự.
Biệt thự loại 3 là có giá trị trung bình về văn hoá, kiến trúc, đã bị lấn chiếm, cải tạo một phần được xem xét bảo tồn hoặc phá bỏ xây mới; loại 4, biệt thự đã bị phá bỏ, xây nhà mới. Tuy nhiên, một số biệt thự gắn với di tích văn hóa hoặc có giá trị kiến trúc phải được Sở VHTT&DL, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận mới được cải tạo.
Ngôi biệt thự thời Pháp trên phố Phan Đình Phùng.
Quy chế do Sở Xây dựng soạn thảo đề xuất việc thành phố khuyến khích việc giãn dân tại những biệt thự có nhiều hộ ở để quy về một chủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước; Khuyến khích và tạo điều kiện về quyền sở hữu đối với các tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng nhà biệt thự có điều kiện tự đầu tư phục hồi nguyên trạng kiểu dáng, kiến trúc ban đầu của nhà biệt thự đã bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phục hồi quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố. Đối với những nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện lập phương án di chuyển các hộ dân sống ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, trùng tu, bảo trì nhà biệt thự theo quy định.
Còn nguyên vẹn không nhiều
Tháng 11/2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã bàn giao hồ sơ, danh mục phân loại nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố cho Sở Xây dựng. Đây là một trong những cơ sở để Sở Xây dựng xây dựng quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn. Theo kết quả được bàn giao khi đó, ngoài các biệt thự trong danh mục 970 biệt thự theo Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị đã rà soát, bổ sung thêm 562 biệt thự đưa tổng số biệt thự được tiến hành rà soát, phân loại lên 1.540 biệt thự.
Đơn vị nghiên cứu, lập hồ sơ cho biết, về công trình biệt thự loại 1 phải kể đến 43 - 45 Điện Biên Phủ, 6A Lê Hồng Phong, 6 Nguyễn Biểu, 60 Hoàng Diệu. Loại 2 là các công trình như 68 Lý Thường Kiệt, 67 Trần Quốc Toản, 19 Nguyễn Biểu. Biệt Thự 68 Nguyễn Du, trước khi phá được xếp vào biệt thự loại 1, nhưng chỉ vài ngày sau khi được chụp ảnh, đưa vào danh mục thì công trình đã bị phá hủy và thế là từ loại 1... đã rớt xuống loại 4.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, để tạo dựng một chính sách hiệu quả trong việc bảo tồn các biệt thự cũ có giá trị, Thành phố cần xây dựng đề án bảo tồn biệt thự có giá trị với các bước: Nhận diện giá trị văn hóa, vận động sự tham gia của cộng đồng các thành phần kinh tế, quảng bá nhận thức di sản. Quan trọng hơn cả, đề án này phải được các chủ sở hữu biệt thự cam kết thực hiện.
Không chỉ Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý quỹ nhà biệt thự, TP. HCM cũng đang phải đối diện với sự biến dạng ngày một nhiều của những biệt thự cũ. Đã có đánh giá cho rằng, 80% công trình cổ, có giá trị, bị phá hoại là do phát triển kinh tế. Rất nhiều biệt thự ở Hà Nội đã bị mua đi bán lại với những khoản tiền tính bằng triệu USD. |