Huyện Ứng Hòa là một trong những vùng NTTS trọng điểm, có lợi thế và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của Hà Nội. Tổng diện tích NTTS của địa phương này hiện vào khoảng 4.000ha, được duy trì tương đối ổn định, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến tiêu thụ trong hai năm gần nhất.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, cùng với việc duy trì ổn định diện tích, những năm qua, địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào NTTS. Đặc biệt, phương pháp NTTS theo hướng hữu cơ đang được nhiều chủ thể quan tâm, áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Cùng với huyện Ứng Hòa, những mô hình NTTS an toàn đang phát triển khá mạnh tại các vùng chuyên canh thuộc một số huyện như: Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Đức… Đến nay, tổng diện tích NTTS toàn TP đạt khoảng 24.000ha. Bên cạnh các loại thủy sản phổ biến như cá chép lai, trắm cỏ, rô phi đơn tính, những diện tích NTTS đặc sản như cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh… ngày một được mở rộng.
Những năm qua, các địa phương cũng đã đẩy mạnh phát triển NTTS theo vùng chuyên canh, tập trung, chuyển đổi những vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá kết hợp và NTTS trong lồng tại các sông, hồ chứa… Các địa phương cũng tích cực khôi phục nguồn lợi thủy sản nội đồng như chạch, lươn, cua… nhằm nâng cao giá trị cho lĩnh vực kinh tế thủy sản.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, theo định hướng phát triển thủy sản đến năm 2025, Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác khoảng 25.000ha, trong đó diện tích nuôi trồng tập trung là 11.500ha. Những mô hình NTTS của TP sẽ được tập trung phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đặc biệt, trong cơ cấu nội ngành, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ giá trị sản xuất thủy sản gia tăng bình quân mỗi năm 3 - 4%. Đồng thời, khuyến khích nông hộ NTTS theo hướng hữu cơ; phấn đấu đến năm 2025, toàn TP sẽ có khoảng 160ha nuôi trồng theo phương thức này.
Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung sản xuất, ươm dưỡng các giống thủy sản chất lượng cao, giống chủ lực, giống thủy đặc sản. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các mô hình ao nổi, sông trong ao. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình NTTS khép kín gắn với bảo quản, chế biến, đóng gói phục vụ xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng này.