Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến khích sáng tạo mẫu mã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời điểm thị trường thế giới trở nên khó tính, khắc nghiệt hơn, mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong nước đã bộc lộ không ít yếu kém, đặc biệt là sự kém cỏi, tụt hậu và nhàm chán về mẫu mã.

Trước thực tế đó, TP Hà Nội đã liên tục tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm TCMN nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sáng tạo, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường.

Mẫu mã đẹp mà vẫn… ế

Hà Nội với hơn 1.350 làng nghề nhưng số cơ sở sản xuất, DN có khả năng chinh phục những thị trường xuất khẩu lớn lại không nhiều. Chỉ một số các DN đầu tư mạnh, tích cực thay đổi mẫu mã sản phẩm thì mới có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài. Điều đó phản ánh một thực tế trong hoạt động sản xuất mặt hàng TCMN của các DN trong nước nhiều năm qua, đó là ít đầu tư, chậm thay đổi mẫu mã, chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng hoặc “nhào nặn” mẫu mã sử dụng trong nhiều năm. Bản thân các DN cũng đã nhận ra hạn chế này, tuy nhiên việc thay đổi không phải dễ.

Trên thực tế, không ít mặt hàng TCMN được đầu tư vào mẫu mã, có đội ngũ nghệ nhân tài ba. Tuy nhiên, các nghệ nhân đa phần sáng tạo theo bản năng, cảm hứng, phô diễn sự khéo léo, kỹ thuật cao của đôi bàn tay mà không được đào tạo về kỹ năng thiết kế, về tính ứng dụng, tính thương mại của sản phẩm. Do đó, sản phẩm làm ra thường trau chuốt, cầu kỳ nhưng lại thiếu tính ứng dụng, ra thế giới vẫn bị… ế.

 
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. 	Ảnh: trần Việt
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt

Tích cực hỗ trợ, khuyến khích sáng tạo mẫu mã

Trên thực tế, đa phần các DN TCMN Việt Nam đều “bước ra từ làng” nên việc có được một đội ngũ thiết kế, nghiên cứu thị trường chuyện nghiệp là rất khó. Trước những khó khăn đó, những năm gần đây, TP Hà Nội đã có những hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân, cơ sở sản xuất đầu tư sáng tạo mẫu mã sản phẩm TCMN, trong đó phải kể đến sự thành công của cuộc thi Thiết kế sản phẩm TCMN nằm trong Chương trình khuyến công của TP. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Đào Thu Vịnh, cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi, các cơ sở sản xuất, DN ở làng nghề cũng như các chuyên gia đầu ngành về TCMN giao lưu, trao đổi sản phẩm và khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế sản phẩm TCMN. Sau 2 năm tổ chức (2012, 2013), cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của khoảng 200 đơn vị, cá nhân tham gia gần 500 mẫu sản phẩm; trong đó có gần 100 sản phẩm đạt giải được UBND TP công nhận.

Cuộc thi đã đem lại những hiệu ứng tốt, nhiều DN đã có những thay đổi nhận thức, đầu tư thích đáng vào khâu thiết kế mẫu mã. Anh Phạm Xuân Cường, chủ cơ sở sản xuất hàng TCMN Xuân Cường (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Năm ngoái, thiết kế đoạt giải Nhì của DN là đèn bàn trang trí phòng khách bằng chất liệu kết hợp: Sừng, đồng và lụa đã phát huy những hiệu quả khả quan. Những “phiên bản” đèn trang trí đã được sản xuất đại trà và bán được khoảng 200 chiếc, với giá từ 200 ngàn - 30 triệu đồng/chiếc. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, anh Cường đang chuẩn bị những sản phẩm TCMN đặc sắc nhất để tham gia Hội chợ hàng TCMN tại Mỹ trong tháng 7 này.

Năm nay, cuộc thi tiếp tục được tổ chức với chủ đề: “Sáng tạo, bền vững và phát triển”, những sản phẩm tham gia dự thi và đoạt giải sẽ có thêm nhiều cơ hội quảng bá. Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, Phó Ban tổ chức cuộc thi, cuộc thi bước sang năm thứ 3 lại đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô nên lễ trao giải và tổng kết cuộc thi diễn ra trong tháng 10 là một trong những sự kiện chào mừng của TP. Tất cả các sản phẩm dự thi sẽ được trưng bày và quảng bá miễn phí tại triển lãm Thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội. Các sản phẩm này được miễn phí trưng bày tại Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2014. Riêng sản phẩm giải nhất, nhì, ba được hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng tại hội chợ quốc tế chuyên ngành TCMN tại nước ngoài trong năm 2015.

Năm nay, cuộc thi sẽ có quy mô lớn hơn và yêu cầu cao hơn với mục tiêu thu hút từ 300 - 350 sản phẩm TCMN có thiết kế mới. Các sản phẩm tham gia cuộc thi phải mang tính sáng tạo, lắp ghép dễ dàng và thay đổi kiểu dáng một cách linh hoạt. Cuộc thi cũng đề cao sản phẩm có tính thẩm mỹ, hoa văn, họa tiết hoặc màu sắc độc đáo, thân thiện và điều quan trọng là sản phẩm phải có giá trị sử dụng, khả năng sản xuất hàng loạt, có tiềm năng xuất khẩu và dùng nguồn nguyên liệu trong nước. Những sản phẩm tham gia cuộc thi phải thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm hoặc từ nguyên liệu tái  chế…