70 năm giải phóng Thủ đô

Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp...

Kinhtedothi - Đây là quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (DN) vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DN xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

DN xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. DN xã hội thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định đối với từng loại hình DN tương ứng và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Luật DN và Nghị định này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, DN xã hội được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Ngoài các khoản viện trợ nêu trên, DN xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hình thức hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.

DN xã hội phải thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN khi thành lập DN hoặc trong quá trình hoạt động.

Trường hợp nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường có sự thay đổi, DN xã hội phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về nội dung thay đổi trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Kèm theo thông báo phải có Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã được sửa đổi, bổ sung.

Nghị định cũng nêu rõ, DN xã hội chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong 4 trường hợp: 1- Hết thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của DN; 2- Vấn đề xã hội, môi trường trong cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã thay đổi hoặc không còn nữa; 3- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại tái đầu tư; 4- Trường hợp khác theo quyết định của DN hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của DN xã hội, toàn bộ số dư tài sản hoặc tài chính còn lại của các khoản viện trợ, tài trợ đã được nhận phải chuyển lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các DN xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự. DN xã hội chỉ được chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường nếu vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã xử lý số dư của khoản viện trợ, tài trợ mà DN đã nhận.