Khuyến khích xây dựng hệ thống giết mổ hiện đại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội cần một hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại đáp ứng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, vì vậy, cần đẩy nhanh việc quy hoạch hệ thống giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội.

Đó là ý kiến các sở, ngành tại buổi làm việc của UBND thành phố với Sở Công Thương (9/5) về xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thủ đô.

Theo dự báo của Sở Công Thương, đến năm 2015 nhu cầu tiêu thụ thịt của Hà Nội là 314.000 tấn/năm, năm 2020 là 404.757.000 tấn/năm. Để đáp ứng nhu cầu này, Hà Nội đã có 12 dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, (trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp). Dự kiến, hai năm 2013 - 2014, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp sẽ đi vào hoạt động đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vào năm 2020 nhu cầu tiêu thụ thực phẩm bình quân mỗi ngày lên đến gần 700 tấn thịt, các cơ sở giết mổ này không thể đáp ứng. Điều đó cho thấy việc xây dựng thêm các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là điều cần thiết.

Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2013 sẽ cho xây dựng thêm 58 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại 17 huyện, thị xã, cung ứng gần 130 tấn thịt các loại/ngày. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020 ngoài nâng công suất giết mổ 7 cơ sở giết mổ công nghiệp đã có, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 cơ sở mới tại huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ với diện tích 20ha, tổng công suất 212 tấn thịt các loại/ngày. Đến thời điểm đó các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung sẽ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu thịt lợn, gia cầm. Tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ khoảng 4.052 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho giết mổ công nghiệp là 1.938,6 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị: Trong thời gian tới, Thành phố cần tạo quỹ đất sạch, giảm 50% tiền sử dụng đất đối với những trường hợp giao đất, miễn thuế đất 11 năm kể từ ngày công trình đi vào hoạt động; DN được vay vốn điều lệ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển với lãi suất thấp; Hỗ trợ chênh lệch lãi vay ngân hàng thương mại so với Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển trong 5 năm và một phần chi phí xử lý nước thải, vận chuyển đến nơi thiêu thụ; Tổ chức lại các cơ sở giết mổ thủ công tập trung, nhỏ lẻ…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Xuân Việt đã chỉ đạo: Thành phố luôn khuyến khích DN đầu tư các điểm giết mổ quy mô lớn, hiện đại. Tuy nhiên, Sở Công Thương trong quá trình cấp giấy phép cần lưu ý đến quy hoạch phát triển khu đô thị mới để bố trí cho phù hợp và giảm chi phí vận chuyển. DN trong quá trình xây dựng phải chú trọng việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải xác định là nơi tiêu thụ gia súc, gia cầm cho người dân khu vực xung quanh. Thành  phố cũng sẽ hỗ trợ DN một phần chi phí xử lý chất thải.

UBND các huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc tìm kiếm địa điểm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động này, từ đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đối với các lò giết mổ thủ công, trong thời gian trước mắt vẫn cho phép hoạt động nhưng phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực hoạt động…